'Nâng bước em tới trường' ở Đồn Biên phòng Sơn Vĩ

Chung tay với sự nghiệp giáo dục của cả nước, hàng chục năm qua cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã triển khai Chương trình 'Xóa mù chữ' giúp đỡ con em đồng bào các dân tộc và cả người lớn trong độ tuổi ở vùng biên giới đi học chữ. Chương trình đã có sức lan tỏa, phát triển sâu rộng và đạt hiệu quả to lớn. Ở Hà Giang đã có hàng vạn con em các dân tộc và cả người lớn trong độ tuổi ở các thôn bản, các xã, các huyện hẻo lánh biên giới được đến trường học chữ, được tiếp nhận kiến thức văn hóa phổ thông và kiến thức đời sống, xã hội thông qua Chương trình 'Xóa mù chữ' của các 'Thầy giáo quân hàm xanh'. Nhiều em sau này tiếp tục có điều kiện học lên lớp cao hơn và đi học các trường chuyên nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, học nghề và trở về địa phương làm việc, được cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho quê hương, đất nước. Đó là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước ta đã mang lại cho đồng bào các dân tộc để xây dựng cuộc sống mới, xây dựng con người mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Đoàn công tác của Hội Khuyến học tỉnh đến thăm và làm việc với Đồn Biên phòng Sơn Vĩ.

Đoàn công tác của Hội Khuyến học tỉnh đến thăm và làm việc với Đồn Biên phòng Sơn Vĩ.

Khi đất nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, thời kỳ của công nghiệp hóa đất nước và thời đại 4.0 hiện nay thì vấn đề phát triển giáo dục ở vùng biên giới còn nhiều khó khăn cũng đã chuyển sang một thời kỳ mới. Đồng hành cùng với ngành giáo dục, từ năm 2014 Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã triển khai Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Và Chương trình này ngay từ khi ra đời đã nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh của nhân dân vùng biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn và tính hiệu quả, nhân văn của nó đã giúp đỡ cho hàng vạn gia đình, con em họ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp tục đến trường học tập, được sống, hòa đồng và phát triển cùng bạn bè trong một môi trường giáo dục quốc dân, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”…

Tác giả và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Hội khuyến học xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) bên cột mốc chủ quyền biên giới.

Tác giả và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với Hội khuyến học xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) bên cột mốc chủ quyền biên giới.

Hà Giang, một tỉnh miền núi, biên giới, có 7/11 huyện biên giới, 35 xã, thị trấn biên giới, với trên 277,9 km đường biên giới với Trung Quốc. Bộ đội Biên phòng Hà Giang cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, đã triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” trong những năm qua với trách nhiệm, tình thương rất có hiệu quả, đã mang lại niềm vui, nụ cười cho hàng trăm gia đình và các cháu được cắp sách tới trường, mang đậm tính nhân văn.

Trước khi đi công tác, tôi đã được đồng chí Đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy Bộ CHBP tỉnh Hà Giang trao đổi: “Anh đến các đồn Biên phòng sẽ thấy thực tế của Chương trình “Nâng bước em tới trường” ra sao. Còn nói trước với anh có khi chưa thực tế lắm.”

Điểm đầu tiên mà chúng tôi đến là Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc. Từ tháng 3.2019, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, tất cả các đồn Biên phòng đóng chân tại xã biên giới thì mang tên gọi theo địa danh của xã đó. Như vậy Đồn Biên phòng Lũng Làn giờ mang tên gọi mới Đồn Biên phòng Sơn Vĩ.

Trước mắt tôi là một không gian không rộng với 3 dãy nhà xây 2 tầng nép mình dưới dãy núi cao. Đồn Biên phòng Sơn Vĩ bây giờ ở địa điểm mới, cách đồn cũ khoảng 1 cây số. Cách đây 40 năm, thời kỳ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đã được tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân, với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu vũ khí, bảo vệ được nhân dân, giữ vững đường biên, mốc giới của Tổ quốc, mà tiêu biểu là anh hùng Thượng úy Lộc Viễn Tài, Đồn Trưởng… Sau khi biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, Đồn Biên phòng được xây dựng lại trên địa điểm mới hôm nay. Đồn Biên phòng Sơn Vĩ giờ khang trang, đẹp. Những khu nhà chỉ huy, nhà bộ đội ở, các nhà phù trợ…trông như những người lính đứng gác luôn tựa vào nhau sẵn sàng chiến đấu. Các khu vườn trồng rau xanh lên mơn mởn, khu chăn nuôi gà, lợn đông đúc, vườn trồng cây thuốc nam nhìn thật đẹp. Tất cả trong lòng nó ẩn chứa bao công sức, mồ hôi lao động của cán bộ, chiến sĩ Đồn trên tinh thần là “đội quân chiến đấu giỏi, tăng gia sản xuất tốt”.

Trong câu chuyện đồng hành cùng giáo dục, khuyến học, chúng tôi được đồng chí Thiếu tá, Lê Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sơn Vĩ cho biết: Đơn vị đã thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng từ năm 2014. Các năm qua cùng với nhiệm vụ chính trị được giao, Đồn Đồn Biên phòng Sơn Vĩ thường xuyên bám thôn bản nắm bắt, phát hiện được nhiều gia đình đồng bào các dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhiều cháu nhỏ chưa được đến trường học tập, báo cáo lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã, lập danh sách để đưa các cháu vào diện giúp đỡ đặc biệt.

Mỗi em một hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, em thì bố chết, mẹ đi lấy chồng để lại cho ông bà già cả nuôi. Em thì bố, mẹ ốm yếu bệnh tật không còn sức lao động. Em thì hoàn cảnh quá nghèo không thể cho đi học… Các em trên rất cần có sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần để các em được đến trường như bao bạn khác. Hiện nay Đồn Biên phòng Sơn Vĩ nhận đỡ đầu 8 em, các em đang học tập và ăn nghỉ tại trường học bán trú của xã, mỗi em được hỗ trợ 500 ngàn đồng /tháng, số tiền trên do cán bộ, chiến sĩ Đồn hàng tháng đóng góp. Các em hàng ngày vẫn ở sinh hoạt tại trường, nhưng thường xuyên được sự quan tâm phối hợp của Đồn với nhà trường và gia đình để tạo đều kiện tốt nhất cho các em học tập đến khi tốt nghiệp THPT. Ngoài số tiền cán bộ chiến sĩ Đồn đóng góp, những năm qua Đồn Biên phòng Sơn Vĩ còn liên hệ, vận động các nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh quyên góp giúp đỡ bằng quần áo, sách vở, chăn màn và tiền mặt, tổng trị giá trên 200 triệu đồng để hỗ trợ các cháu học tập, bảo đảm cuộc sống. Việc làm đó của cán bộ, chiến sĩ Đồn tuy còn nhỏ, nhưng phần nào thể hiện trách nhiệm, vinh dự của Đồn được giúp đỡ đồng bào các dân tộc nơi biên cương còn nhiều khăn, gian khổ.

Trao đổi với cấp ủy, chính quyền xã Sơn Vĩ, chúng tôi được đồng chí Ma Văn Lương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sơn Vĩ, cho biết: Cấp ủy, chính quyền và Hội Khuyến học xã Sơn Vĩ đánh giá rất cao về Chương trình “Nâng bước em đến trường” của Bộ đội Biên phòng, đã tạo điều kiện và chung vai gánh vác cùng xã trong việc tạo điều kiện tốt nhất để các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường. Nếu không có chương trình này, xã chúng tôi có gần 100 em, đặc biệt là ở các thôn biên giới các năm qua phải bỏ học vì hoàn cảnh quá đặc biệt khó khăn. Trong số đó, sau khi được tiếp tục đi học, nhiều em là học sinh khá, giỏi của lớp về học tập văn hóa và các mặt hoạt động khác, được Hội khuyến học xã, nhà trường khen thưởng… Đồn Biên phòng còn thường xuyên quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, nhà trường và gia đình để chăm lo nuôi dạy các cháu không chỉ học văn hóa mà cả trong rèn luyện thể chất và các hoạt động văn thể, tạo cho các cháu sự hòa nhập trong cộng đồng…

Vậy đó! Chỉ bấy nhiêu những việc làm của Đồn Biên phòng Sơn Vĩ “nơi đầu sóng, ngọn gió” trên dải biên cương Hà Giang xa xôi, hẻo lánh, đang thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” đã đạt hiệu quả rất tốt, phong trào đã trở thành một “điểm tựa” vững chắc cho những gia đình, các em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tới trường, được nhân tương lai gieo ươm những mần non đất nước. Và cùng với nó là hình ảnh người chiến sỹ Biên phòng hôm nay không chỉ anh hùng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, mà còn anh hùng trong lao động với những công việc, nhiệm vụ xã hội tưởng như bình thường như câu chuyện “Xóa mù chữ” năm xưa, “Nâng bước em tới trường” hôm nay, vì một xã hội tiến bộ, văn minh, vì tương lai của một đất nước, một dân tộc.

Chương trình “Nâng bước em đến trường” hôm nay đang là bản hùng ca góp phần vào xây dựng đất nước của Bộ đội Biên phòng Việt Nam, sẽ được phát triển sâu rộng và giá trị của nó thật đáng trân trọng.

Ký của Nhà văn Đặng Quang Vượng

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202009/nang-buoc-em-toi-truong-o-don-bien-phong-son-vi-765336/