Nâng bước học sinh nghèo đến trường

Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực giáo dục ở vùng khó của tỉnh.

Học sinh Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai) nhận gạo được hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP.

Học sinh Trường THPT Trần Phú (Võ Nhai) nhận gạo được hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP.

Gió đông ùa về, nhưng lòng người chợt như ấm hơn. Bởi vào thời điểm này, các xe chở gạo của Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Bắc Thái về tới các trường học, địa phương trong tỉnh để cấp phát gạo hỗ trợ cho các em học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Nhìn những nét mặt tươi tắn, hồ hởi của các em học sinh Trường THPT Trần Phú, đứng chân trên địa bàn xã Cúc Đường (Võ Nhai), chúng tôi như quên đi những mệt mỏi sau khi vượt qua hàng chục cây số đường núi quanh co để đến đây. Em Hoàng Hà Giang, học sinh lớp 12A1, cho biết: Đây là năm học thứ 3 em được nhận gạo hỗ trợ. Nhà em cách trường hơn 30km. Nhờ được hỗ trợ gạo và tiền sinh hoạt hàng tháng, gia đình em bớt khó khăn hơn về chi phí cho em đến trường.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hầu Văn Hướng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, cho biết: Nhà trường có 308 học sinh được hỗ trợ gạo theo NĐ116. Việc hỗ trợ gạo và tiền sinh hoạt hằng tháng của Nhà nước rất thiết thực, tạo thêm động lực để các em học sinh đến trường, yên tâm học tập. Qua đó giúp các thầy, cô giáo vơi bớt nỗi lo về việc duy trì sĩ số của các lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó.

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT): Để triển khai thực hiện NĐ116 được kịp thời, hiệu quả, Sở GD-ĐT đã tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 44/2016/NQ-HĐND quy định về khoảng cách và địa bàn để làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, từ đó các em được hưởng chính sách hỗ trợ theo NĐ116. Trong các năm học, Sở GD-ĐT tổ chức cung ứng gạo được hỗ trợ bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng đối tượng...

Giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ). Ảnh: T.L

Giờ ăn trưa của các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ). Ảnh: T.L

Thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, các em thuộc diện thụ hưởng được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo và hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở, hỗ trợ tiền nhà ở bằng 10% mức lương cơ sở/tháng; thời gian được hưởng không quá 9 tháng/năm.

Ðối với các trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, máy thu hình phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác cho học sinh bán trú, với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/học sinh/năm học...

Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mỗi năm học, hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh được thụ hưởng, tiếp thêm động lực cho các em đến trường. Trong năm học 2022-2023, tổng số gạo cấp cho các em học sinh là 411.345kg.

Năm học 2023-2024, trong học kỳ 1, toàn tỉnh có 3.023 học sinh được hỗ trợ. Trong đó bậc tiểu học và THCS có 2.028 em, THPT có 995 em; huyện có số học sinh được hỗ trợ nhiều nhất là Võ Nhai, với 1.936 em, tiếp đến là Đồng Hỷ 669 em, Định Hóa 246 em. Số lượng gạo đã hỗ trợ trong đợt 1 là gần 180 tấn.

Chính sách hỗ trợ học sinh theo NĐ116 thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp GD-ĐT ở vùng đặc biệt khó khăn, góp phần không nhỏ trong việc giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho các gia đình ở vùng khó khi có con em đi học xa. Từ đó giúp các trường thuận lợi hơn khi huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học.

Chính sách này cũng đã trở thành “trợ lực” quan trọng góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong tỉnh...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202312/nang-buoc-hoc-sinh-ngheo-den-truong-a0631fb/