Nâng bước học sinh vùng khó
Xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ, thời gian qua, cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa luôn trăn trở, tìm cách nâng bước học sinh. Để các em nhỏ có điều kiện học tập tốt hơn, họ không chỉ dành tâm huyết, thời gian, công sức mà còn sẻ chia đồng lương khiêm tốn của mình.
Giữ học sinh bằng “bán trú dân nuôi”
Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc nằm trên ngọn đồi cao. Vào buổi trưa, ngôi trường rộn vang tiếng nói cười. Hỏi mới biết, các học sinh của trường đang bước vào giờ ăn trưa. Bên những chiếc cặp lồng mới, gương mặt em nào cũng rạng ngời hạnh phúc. Chốc chốc, giáo viên lại đến bên ân cần thăm hỏi, động viên từng học sinh.
Với những em thiếu cơm, thức ăn, các thầy cô sẵn sàng san sẻ khẩu phần của mình. Sau bữa ăn, theo sự hướng dẫn của giáo viên, các em nhỏ nhanh nhẹn đi vệ sinh cá nhân, rồi vào lớp nghỉ trưa, chuẩn bị cho buổi học tiếp nối. Mọi việc diễn ra nhịp nhàng như đã trở thành thói quen.
Nhìn hình ảnh này, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc Mai Thị Thu Trang rất vui mừng. Sinh ra, lớn lên ở đại ngàn miền Tây Quảng Trị, cô Trang hiểu những khó khăn, thử thách trên con đường đến với cái chữ của học sinh miền núi. Đối với các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, con đường ấy càng trắc trở, gập ghềnh. Học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc, nơi cô Trang đang công tác không phải là ngoại lệ. Ngoài nỗi lo thiếu cơm ăn, áo mặc, việc học của các em ở trường đối diện rất nhiều rào cản.
Cô Trang cho biết: “Toàn trường có 794 học sinh, trong đó 264 em đang theo học các lớp 1, 2, 3. 100% học sinh của trường là người Vân Kiều. Phần lớn các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Riêng con đường đến trường xa xôi, cách trở cũng đã là thử thách, bào mòn quyết tâm chinh phục con chữ của một bộ phận phụ huynh, học sinh”.
Trước đây, vì lý do khách quan, học sinh khối 1, 2, 3 của Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc phải ngày hai buổi đến lớp. Mọi việc chẳng có gì đáng bàn nếu không nảy sinh thực trạng sĩ số các lớp học sụt giảm vào buổi chiều. Lo lắng, giáo viên đến tận nhà để tìm hiểu và biết nguyên nhân nằm ở con đường xa xôi, cách trở. Bận rộn với việc rẫy nương, nhiều phụ huynh gặp khó khăn khi ngày mấy vòng đưa đón con em đến trường. Hiểu rõ nỗi niềm của học sinh và phụ huynh, lãnh đạo, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc đã ngồi lại với nhau, bàn tính phương án. Cuối cùng, tất cả đi đến thống nhất áp dụng mô hình “bán trú dân nuôi”.
Quyết tâm đã lên, Ban Giám hiệu Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc đến từng điểm trường để họp phụ huynh. Với một số trường hợp vắng mắt, lãnh đạo trường cùng giáo viên gõ cửa từng nhà để gặp mặt, phân tích cho phụ huynh hiểu về lợi ích của mô hình “bán trú dân nuôi”. Điều khiến các nhà giáo rất vui mừng là ý tưởng của nhà trường rất hợp lòng người thân học sinh. Đó cũng là động lực để các thầy, cô nhanh chóng lên kế hoạch chi tiết; tính toán phương án học bán trú; tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Nhờ sự đồng thuận, hưởng ứng cao trong lãnh đạo, giáo viên và sự ủng hộ của phụ huynh, học sinh, mô hình “bán trú dân nuôi” tại Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc sớm đi vào thực tế. Ngay trong tuần học đầu tiên, lãnh đạo nhà trường đã rất vui mừng khi biết tỉ lệ học sinh các lớp 1, 2, 3 vắng học vào buổi chiều giảm đáng kể. Thấy hiệu quả của việc học bán trú, nhiều phụ huynh của học sinh lớp trên cũng xin thầy, cô cho con em ở lại trường để thuận tiện cho việc học tập, ôn luyện, trau dồi kiến thức.
Ông Hồ Văn Hầu, một người dân địa phương cho biết: “Từ ngày mô hình “bán trú dân nuôi” được triển khai, các cháu đi học đều đặn, tự giác, biết nhiều điều hay hơn… Phụ huynh chúng tôi cũng không phải vất vả đón con em nhiều vòng như trước. Chúng tôi rất biết ơn tấm lòng thầy, cô”.
Trích lương gỡ khó cho học sinh
Ở vùng sâu, vùng xa, chất lượng dạy và học chỉ có thể được nâng lên nếu cán bộ, giáo viên thực sự tâm huyết. Hiểu điều đó, thời gian qua, cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc luôn giữ ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ. Trong triển khai mô hình “bán trú dân nuôi”, chính các nhà giáo tâm huyết đã nhận phần vất vả về mình.
Thực tế, khi thuận lòng triển khai mô hình “bán trú dân nuôi”, cán bộ, giáo viên PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc đã xác định sẽ gánh vác thêm công việc, trách nhiệm. Trong khi đó, thu nhập của họ không được cải thiện. Vậy mà, các thầy, cô giáo đều không than vãn, nề hà. Họ tình nguyện lo cho bữa ăn, giấc ngủ; theo dõi, quản lý; rèn thêm thói quen tốt, kỹ năng sống… cho học sinh. Trong bối cảnh nhà trường, học sinh còn gặp nhiều khó khăn, các thầy, cô còn chung tay gỡ khó.
Theo lãnh đạo Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai mô hình “bán trú dân nuôi” tại trường chính là sự thiếu thốn của học sinh. Ngày đầu bán trú, một số em phải bới cơm trong những chiếc túi ni lông. Bữa trưa của các em đôi khi chỉ có cơm trắng, xôi với muối ớt, gói mì tôm hay ít rau rừng. Thương học trò, cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc đã mỗi người một ít đóng góp mua gô đựng cơm cho nhiều học sinh. Các thầy cô cũng không ngại ngần chia sẻ khẩu phần ăn mà mình chuẩn bị với các em nhỏ. Ai cũng hy vọng những khó khăn, thử thách trong cuộc sống của bản thân, gia đình vơi đi đôi chút để có điều kiện giúp đỡ học trò.
Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc vẫn diễn ra sôi nổi. Mô hình bán trú dân nuôi phát huy tốt hiệu quả giúp giáo viên, học sinh khối 1, 2, 3 bắt kịp nhịp đi lên của phong trào nhà trường. Vui mừng trước những tín hiệu ấy nhưng cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc vẫn canh cánh nỗi lo thiếu những chiếc chăn, chiếc gối, khăn ấm… để giúp học sinh bán trú chống chọi với tiết trời giá buốt.
Cô Mai Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Hướng Lộc chia sẻ: “Cán bộ, giáo viên nhà trường đang nỗ lực tìm cách nâng cao chất lượng bữa ăn trưa và huy động chăn, gối, khăn ấm… cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào sức chúng tôi thì có lẽ khoảng thời gian chịu khó khăn, thiếu thốn của học sinh còn dài. Nhà trường rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm”.