NÂNG BƯỚC NGƯỜI LAO ĐỘNG: Chắp cánh cho lao động xuất khẩu

Anh Mai Văn Lâm (SN 1976; ngụ xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP HCM) tốt nghiệp THPT năm 1996, vì hoàn cảnh khó khăn nên không tiếp tục thi vào đại học mà ở nhà phụ giúp gia đình làm nông, chăn nuôi.

Năm 2000, với mong muốn có một cuộc sống sung túc hơn, anh lựa chọn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản. Được sự động viên của ba mẹ, anh nộp hồ sơ tại một doanh nghiệp XKLĐ và được chọn tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi lên đường sang Nhật Bản.

Hơn 6 tháng học ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật Nhật Bản và chuyên môn ngành cơ khí, anh được Công ty Sowa-Unbanki (chuyên sản xuất linh kiện cho xe nâng hàng) tuyển dụng. Sau 3 năm chăm chỉ làm việc và tiết kiệm chi tiêu, anh tích lũy được một số vốn kha khá. Trở về nước, anh khởi nghiệp bằng việc mua bán linh kiện điện tử nhưng điều anh không ngờ đến là thời gian ấy, thị trường đồ điện tử đang bão hòa. Buôn bán ế ẩm, anh quyết định chuyển hướng làm ăn.

Anh Mai Văn Lâm (giữa) tiễn người lao động sang Nhật Bản làm việc

Anh Mai Văn Lâm (giữa) tiễn người lao động sang Nhật Bản làm việc

Đầu năm 2014, anh xin đầu quân cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Vilexim (quận Tân Phú, TP HCM) và được ban giám đốc phân công làm trưởng phòng tuyển dụng. Với kỹ năng, kinh nghiệm có được khi làm việc ở nước ngoài, anh đã hoàn thành tốt công việc tư vấn, tuyển dụng người có nhu cầu sang Nhật Bản học tập, làm việc, được ban giám đốc công ty đánh giá cao.

Anh Lâm chia sẻ khi làm việc tại Nhật Bản, ngoài siêng năng, hoàn thành tốt công việc được phân công, người lao động (NLĐ) còn phải tích cực học tập tiếng nước sở tại để có vốn kiến thức giao tiếp và phục vụ cho việc làm của mình. Bên cạnh đó, người đi XKLĐ tại Nhật Bản phải tuyệt đối chấp hành tốt pháp luật, văn hóa của nước sở tại, để tránh ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước.

Từ năm 2014 đến nay, anh đã hỗ trợ công ty đưa sang Nhật Bản hơn 1.000 người học tập và làm việc. Số người đi nhiều nhất là ở các tỉnh, thành: Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, An Giang, Bến Tre, Long An, TP HCM… Qua theo dõi, khi trở về Việt Nam, nhiều người rất thành đạt và làm giàu từ kiến thức, chuyên môn trong những năm làm việc, học tập nghiêm túc tại Nhật Bản.

Theo anh Mai Văn Lâm, muốn NLĐ có kỷ luật, kỹ thuật tốt trước khi sang Nhật Bản học tập và lao động, doanh nghiệp phái cử cần được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, văn hóa, phong tục của người Nhật Bản. Người chịu trách nhiệm tuyển dụng của doanh nghiệp cũng phải làm tốt vai trò định hướng nghề nghiệp cho NLĐ hiểu.

Thể lệ cuộc thi

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Bài và ảnh: Trần Văn Tám (huyện Củ Chi, TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-chap-canh-cho-lao-dong-xuat-khau-19624062218495072.htm