Nâng cao cạnh tranh vào thị trường Đức thông qua Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng
Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 là một trong những thách thức để doanh nghiệp Việt thu hút sự quan tâm từ khách hàng Đức tiềm năng.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực canh tranh vào thị trường Đức thông qua Điều luật thẩm định chuỗi cung ứng” tại TP.HCM.
Trong đó, điều luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 với mục tiêu cải thiện công tác bảo vệ các quyền con người trong chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn những hành vi xâm phạm như: Tình trạng lao động trẻ em và cưỡng bức lao động, cấm những chất có hại cho con người và môi trường, chống phân biệt đối xử, trả lương phù hợp và thời gian làm việc đúng mức…
Với điều luật này, doanh nghiệp Đức buộc phải kiểm soát những rủi ro cho con người và môi trường có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Đức cũng xây dựng một cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả và phù hợp cho các chuỗi cung ứng của mình và lồng ghép cơ chế đó vào tất cả những chu trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy bắt buộc doanh nghiệp Việt cần có sự thay đổi để thu hút sự chú ý của thị trường tiềm năng này.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) nhận định: “Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Châu Âu, chiếm hơn 19% xuất khẩu của Việt Nam sang EU và cũng là cửa ngỏ để hàng hóa Việt Nam đi các thị trường khác của Châu Âu. Tuy nhiên để đạt được những hiệu quả nhất định, doanh nghiệp Việt Nam phải chấp hành các điều kiện khắt khe trong quy trình sản xuất và xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU nói chung và Đức nói riêng.”