Nâng cao chất lượng các mô hình sinh kế thông qua chương trình phát triển lâm sản ngoài gỗ

tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam tổ chức Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng các mô hình sinh kế thông qua chương trình phát triển lâm sản ngoài gỗ.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống cũng như môi trường; tuy nhiên hiện nay, nguồn tài nguyên rừng nói chung và lâm sản ngoài gỗ nói riêng đang có dấu hiệu sụt giảm do nhiều nguyên nhân. Điều này đã dẫn đến những tác động không nhỏ đối với cuộc sống và sinh kế của người dân, làm cho đời sống của một bộ phận người dân sống phụ thuộc vào rừng dần trở nên khó khăn hơn, trong đó có phụ nữ. Chính vì vậy, bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng hiện nay là yêu cầu cấp bách và là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, trong đó có Hội LHPN các cấp.

Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Lâm Đồng không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ rừng và bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên rừng.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là phát triển sinh kế hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập, vừa qua Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam triển khai thực hiện “Chương trình liên minh sinh kế xanh - rừng - vì tương lai công bằng thông qua chương trình phát triển lâm sản ngoài gỗ ở Việt Nam”. Các hoạt động chính là khảo sát các mô hình sinh kế gắn với phát triển rừng tại các huyện có diện tích rừng lớn của tỉnh, qua đó đánh giá hiệu quả của mô hình đối với việc phát triển kinh tế gắn với lâm sản ngoài gỗ, nắm nhu cầu cần được hỗ trợ của phụ nữ và người dân, từ đó chọn ra những mô hình có tính khả thi để hỗ trợ.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi, đánh giá về thực trạng công tác bảo vệ rừng, vai trò của Nhân dân trong công tác bảo vệ rừng hiện nay; thực trạng và tác động của mô hình nông lâm kết hợp và mô hình thân thiện đối với việc phát triển rừng và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; thực trạng của mô hình sinh kế gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ trong hội viên phụ nữ DTTS cũng như vai trò của hội viên phụ nữ trong công tác bảo vệ - phát triển rừng, phát triển các mô hình sinh kế gắn với phát triển lâm sản ngoài gỗ và nhu cầu của hội viên phụ nữ...

Từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ thực hiện hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế thân thiện với rừng, cải thiện đời sống vật chất, phục hồi những nét văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực phát triển kinh tế, bảo vệ, phát triển rừng ứng phó với biến đổi khí hậu.

TUẤN HƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202212/nang-cao-chat-luong-cac-mo-hinh-sinh-ke-thong-qua-chuong-trinh-phat-trien-lam-san-ngoai-go-3151684/