Nâng cao chất lượng cán bộ đảng viên người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk
Với đặc thù có 49 dân tộc cùng chung sống, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm. Lực lượng cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, cùng chung sức đồng lòng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.
Bà H’Hương H’Wing, dân tộc Ê đê, ở buôn M’Blốc B, xã Krông Jing, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk nhiều năm liền được tín nhiệm bầu giữ chức bí thư Chi bộ. Cùng với việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bà H’Hương còn là điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Bà chia sẻ, nhờ tham gia các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ vùng DTTS ở cơ sở, bà đã được học tập nhiều chuyên đề hay, thiết thực phục vụ trực tiếp cho công việc của mình.
Bà Bà H’Hương H’Wing cho biết, công tác xóa nghèo ở trong buôn là công tác rất quan trọng. Buôn luôn tâm trung vào nghị quyết lãnh đạo chỉ đạo của cho bộ là sát dân, gần dân, hướng dẫn cho dân phát triển kinh tế, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò, chăn nuôi heo. Biết thời vụ để gieo sạ cho kịp thời vụ thì từng bước buôn làng mới xóa nghèo được.
Nhờ am hiểu sâu sắc đời sống, phong tục tập quán của đồng bào mình, cộng với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, các cán bộ đảng viên người DTTS đã thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Trần Hồng Tiến, Bí thư huyện ủy Krông Pắk nhìn nhận, qua theo dõi nhận thấy, việc lựa chọn cán bộ trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số tại cơ sở có năng lực, đưa về để giữ những vị trí chủ chốt của địa phương, cơ bản các cán bộ này đều hoàn thành nhiệm vụ được giao và được nhân dân tin tưởng.
Trong toàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay, số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 13%. Tiến sĩ Nguyễn Thành Dũng, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk cho biết, các cán bộ dân tộc thiểu số đều được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.“Trong 10 năm qua, số lượng học viên hơn 25.000 học viên, trong đó, riêng học viên người đồng bào dân tộc thiểu số hơn 4.500. Đây là kết quả đào tạo của trường đã đóng góp vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giúp cho cấp ủy các cơ quan đơn vị xây dựng đội ngũ cán bộ của mình chất lượng hiệu quả hơn”.
Theo ông Lê Nam Cao, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, xác định xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng của công tác cán bộ, tỉnh đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của địa phương, triển khai các biện pháp đồng bộ gắn với việc ban hành các chính sách phù hợp. Điều này đã tạo động lực mạnh mẽ, đảm bảo thực hiện các mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Ông Lê Nam Cao cho biết, việc xây dựng các vị trí việc làm trong hệ thống chính trị trong đó ưu tiên những vị trí quan trọng, then chốt cần cán bộ dân tộc, Ban Tổ chức phải tuyển dụng cán bộ dân tộc. Hiện, tỉnh cũng đã thực hiện chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc.
Theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, công tác phát triển cán bộ, đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đạt 15% trở lên.