Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

Xác định công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền, giáo dục lịch sử là nhiệm vụ cấp thiết, với sự triển khai quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản của cấp ủy các cấp, qua 3 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/TU của Tỉnh ủy, công tác nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm lịch sử đảng bộ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng.

Xã Canh Tân (Thạch An) là một trong những đơn vị hoàn thành vượt tiến độ cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ xã Canh Tân giai đoạn 1930 - 2020”. Tháng 10/2023, xã tổ chức lễ công bố, phát hành cuốn lịch sử đảng bộ xã và đưa đến 100% xóm, trường học trên địa bàn xã để làm tài liệu nghiên cứu, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Canh Tân Hoàng Thị Thanh Mai cho biết: Thực hiện Đề án 02-ĐA/TU, ngày 25/6/2021 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành giai đoạn 2021 - 2025, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Việc gặp gỡ và sưu tầm tư liệu từ nhân dân, cán bộ nghỉ hưu, cán bộ tham gia cách mạng giai đoạn đầu được ghi chép, thu âm và xử lý thông tin cụ thể, thông tin có xác minh rõ ràng bảo đảm tính lịch sử và liên kết với các sự kiện lịch sử trong toàn huyện, tỉnh và giai đoạn lịch sử. Tích cực sưu tầm các nguồn tư liệu như văn kiện, lịch sử đảng bộ tỉnh, lịch sử đảng bộ huyện Thạch An, những tập hồi ký, bút ký và các tài liệu liên quan như: Địa chí Cao Bằng, Tên làng, xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Cao Bằng, Hồi ký đường số 4 rực lửa… Cuốn sách được biên tập, khoa học, bảo đảm các yêu cầu về một công trình khoa học lịch sử.

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm lịch sử Đảng, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành 32 văn bản, tổ chức 7 hội nghị, cuộc họp chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các huyện, thành ủy chỉ đạo đề ra lộ trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cụ thể đối với từng đơn vị cấp xã. 100% đảng ủy xã, phường, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo, ban biên soạn và tổ sưu tầm, khai thác tư liệu; tổ chức các hội thảo cuốn lịch sử đảng bộ địa phương. Một số địa phương, đơn vị đưa việc triển khai thực hiện đề án vào các nghị quyết của cấp ủy, tạo điều kiện về tổ chức cán bộ, kinh phí và cơ sở vật chất khác cho công tác lịch sử Đảng, xem đây là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm, thường xuyên. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ chuyên trách nghiên cứu, biên soạn lịch sử, trong quá trình chỉ đạo, một số cấp ủy có chủ trương sử dụng đội ngũ cộng tác viên nguyên là cán bộ chuyên môn từng làm công tác lịch sử, lão thành cách mạng, cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, giáo viên giảng dạy lịch sử ở các trường phổ thông có tâm huyết, có hiểu biết về lịch sử Đảng nói chung và lịch sử ở địa phương nói riêng cùng tham gia nghiên cứu, biên soạn hoặc thẩm định các ấn phẩm lịch sử. Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tích cực phối hợp trong việc cung cấp nhân lực, thông tin, nguồn tư liệu, hình ảnh... có liên quan đến công tác sưu tầm và biên soạn các công trình lịch sử.

Xã Canh Tân (Thạch An) là một trong những đơn vị hoàn thành vượt tiến độ nghiên cứu, biên soạn cuốn sách lịch sử Đảng bộ xã.

Xã Canh Tân (Thạch An) là một trong những đơn vị hoàn thành vượt tiến độ nghiên cứu, biên soạn cuốn sách lịch sử Đảng bộ xã.

Công tác sưu tầm, khai thác tư liệu phục vụ nghiên cứu, biên soạn được các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện một cách đồng bộ và khoa học. Các huyện, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, thị trấn thành lập tổ sưu tầm, khai thác tư liệu phục vụ việc nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm lịch sử và phân công cán bộ Ban Tuyên giáo, Văn phòng cấp ủy trực tiếp tham gia hỗ trợ các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tập trung liên hệ với các địa phương có liên quan (có sự sáp nhập, chia tách, chuyển giao... đơn vị hành chính); tổ chức khảo sát, phân tích tư liệu thông qua các di tích lịch sử; cử cán bộ có trình độ, uy tín gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nguyên lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ để trao đổi các nội dung cần phỏng vấn, ghi chép lại dưới dạng hồi ký hoặc liên hệ qua tài liệu cá nhân, sổ công tác..., hệ thống thành tư liệu thành văn để phục vụ việc nghiên cứu, biên soạn. Quan tâm thực hiện công tác bảo quản, lưu trữ tư liệu lịch sử, từng bước thực hiện số hóa tư liệu đã sưu tầm, khai thác để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, khai thác hợp lý cho công tác biên soạn những năm tiếp theo.

Hầu hết các ngành, địa phương lựa chọn các đơn vị tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử để ký kết hợp đồng nghiên cứu, biên soạn và in, xuất bản. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thành lập Ban Chỉ đạo, ban biên soạn, tự tổ chức triển khai nghiên cứu, biên soạn các cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành; trong đó, lựa chọn các thành viên tham gia là những cán bộ có trình độ, năng lực, tâm huyết, có trách nhiệm với công việc; nhận thức đầy đủ ý nghĩa, vị trí, vai trò công tác lịch sử, hiểu biết sâu sắc về địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số công trình hoàn thành vượt tiến độ như: “Lịch sử Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng”, “Lịch sử Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng”, “Lịch sử Hội Cựu chiến binh tỉnh Cao Bằng”, “Lịch sử Đảng bộ xã Canh Tân (Thạch An)”... Ngoài kinh phí do tỉnh, huyện cấp theo đề án, các địa phương tích cực triển khai công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực để tạo nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử tại địa phương. Toàn tỉnh huy động trên 6 tỷ đồng phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử đảng bộ cấp xã.

Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án, đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh nghiên cứu, biên soạn và xuất bản 76 cuốn sách, trong đó, 2 cuốn cấp tỉnh, 2 cuốn lịch sử đảng bộ ngành, 1 cuốn lịch sử truyền thống ngành, 71 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã. Đối với cấp tỉnh, xuất bản và phát hành 2 cuốn sách: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng”, “Địa lý - Lịch sử tỉnh Cao Bằng”. Việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng sách sau khi phát hành được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tiễn. Đảng ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức lễ công bố các cuốn sách đã xuất bản đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó thu hút được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia tìm hiểu, nghiên cứu về sách. Tiêu biểu có huyện Hạ Lang hoàn thành việc xuất bản 100% cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã, sớm gần 2 năm so với lộ trình Đề án số 02-ĐA/TU và là đơn vị “về đích” đầu tiên của tỉnh, huyện chỉ đạo đăng tải sách trên Trang thông tin điện tử huyện để đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn đọc thuận lợi nguyên cứu, tìm hiểu và khai thác làm tư liệu; tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Hạ Lang; tìm hiểu lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn huyện Hạ Lang.

Các công trình xuất bản cơ bản bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính lịch sử, thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ nét đặc thù của địa phương, đơn vị, đóng góp quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân; từ đó, khơi dậy niềm tự hào, truyền thống vẻ vang của quê hương, tạo động lực và năng lực nội sinh góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nang-cao-chat-luong-cong-tac-nghien-cuu-bien-soan-lich-su-dang-3171453.html