Nâng cao chất lượng công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng
Trước tình trạng nhận thức, ý thức của một bộ phận cán bộ và người dân về áp dụng các nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp chưa cao, chỉ tập trung vào lợi nhuận kinh tế trước mắt mà chưa quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, ngoài ra phần lớn cán bộ khuyến nông viên cơ sở là kiêm nhiệm nên chuyên môn của cán bộ quản lý thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) còn yếu, do đó thời gian qua, ngành nông nghiệp đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về quản lý dịch hại trên cây trồng nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân, hướng đến mục tiêu tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông dân xã Phượng Nghi (Như Thanh) sử dụng biện pháp thủ công phòng trừ bệnh sâu cuốn lá trên lúa.
Từ năm 2022 đến tháng 3-2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa đã tổ chức 4 lớp đào tạo giảng viên chính (TOT) về chương trình quản lý IPM trên cây trồng chủ lực cho 120 học viên. Các học viên chủ yếu là cán bộ trung tâm dịch vụ nông nghiệp, khuyến nông viên cơ sở và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Chi cục cũng phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 32 lớp tập huấn cho 1.600 lượt hộ nông dân về hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM. Đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ thuật sử dụng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật an toàn và thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa, Hà Trung, Đông Sơn và Nga Sơn. Tại các vùng sản xuất rau, củ, quả liên kết tiêu thụ và xuất khẩu ở các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Đông Sơn, TP Thanh Hóa, Quảng Xương, Nông Cống và Nga Sơn cũng đã tổ chức 10 lớp. Với vùng mía thâm canh, chi cục tổ chức 4 lớp tại các huyện Thạch Thành, Ngọc Lặc, Thọ Xuân và Lang Chánh. Vùng trồng ngô thâm canh ở các huyện Cẩm Thủy, Như Thanh và Thọ Xuân tổ chức 3 lớp.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng triển khai mô hình quản lý IPM trên cây lúa chất lượng cao (giống ST25), quy mô diện tích 10 ha tập trung tại xã Trung Chính (Nông Cống). Ông Đinh Văn Lạc ở thôn Đông Cao, xã Trung Chính cho biết: Được tập huấn các chuyên đề về IPM, thâm canh cây trồng bền vững, giảm thiểu nguy cơ do sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp nên ngay từ giai đoạn đầu đã hạn chế được sâu bệnh gây hại và hạn chế được số lần phun thuốc trừ sâu trên một đơn vị diện tích, vừa đảm bảo được sức khỏe cho người trồng mà năng suất lúa vẫn ổn định.
Theo kế hoạch trong năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 35 lớp tập huấn cho khoảng 1.800 nông dân về các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, nguyên tắc chương trình IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Phó trưởng Phòng Bảo vệ Thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lê Đình Tuyến, cho biết: Thực hiện chương trình quản lý IPM đã góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức khoa học - kỹ thuật của nông dân về kỹ năng thực hành, áp dụng trên đồng ruộng. Người dân bám sát đồng ruộng hơn, kịp thời phát hiện, khống chế các loại dịch hại khi mới phát sinh và sử dụng hợp lý phân bón hóa học, bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Áp dụng chương trình quản lý IPM, giảm được lần phun thuốc trừ sâu bệnh từ 1 - 2 lần phun/vụ, tương đương giảm 1,2 - 2kg thuốc bảo vệ thực vật/ha/năm. Như vậy với tổng diện tích gieo cấy lúa hàng năm của tỉnh hơn 228.000 ha, thì lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng giảm từ 270 đến 450 tấn/năm.