Nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong hoạt động kiểm toán

Chiều 2-7, tại Hà Nội, Phó tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung - người phát ngôn của Kiểm toán nhà nước chủ trì cuộc họp báo công bố công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước năm 2022.

 Phó tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: NGHI LỘC

Phó tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: NGHI LỘC

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công. Từ đó có đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng Kế hoạch kiểm toán bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; bám sát Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2021-2030, Kiểm toán nhà nước đã tăng cường thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước phục vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước, kiểm toán các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao và thực hiện theo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, trong năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức thực hiện kiểm toán thành công 135 nhiệm vụ với 174 Đoàn kiểm toán và phát hành 248 Báo cáo kiểm toán. Trong đó, thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách tại 25 bộ, cơ quan trung ương và 52 địa phương; thực hiện 33 nhiệm vụ kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, chiếm 26% tổng số nhiệm vụ kiểm toán theo đúng lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; với một số cuộc kiểm toán trọng tâm, có phạm vi kiểm toán nhiều bộ ngành và địa phương.

 Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: ANH VIỆT

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: ANH VIỆT

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán nhà nước Vũ Ngọc Tuấn, tổng hợp kết quả chính từ 248 báo cáo kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 21.346,33 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản. Đồng thời, kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán năm trước cho thấy 92% kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước đã được thực hiện.

Tại họp báo, Kiểm toán nhà nước cũng công bố công khai kết quả kiểm toán môi trường và kiểm toán các đề án, chuyên đề lớn mà Kiểm toán nhà nước đã thực hiện trong năm 2023, cũng như kết quả kiểm toán lĩnh vực doanh nghiệp; đặc biệt nêu rõ những phát hiện kiểm toán liên quan đến các tồn tại, hạn chế trong chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước; những bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách…

Đặt câu hỏi đến Kiểm toán nhà nước, phóng viên Báo Quân đội nhân dân bày tỏ quan tâm đến vấn đề Kiểm toán nhà nước đã triển khai như thế nào đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Kiểm toán nhà nước theo Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27-10-2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước Lưu Trường Kháng cho biết, trước khi có Nghị quyết số 131-QĐ/TW, Kiểm toán nhà nước đã có những động thái để tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành Kiểm toán nhà nước.

Cụ thể, vào năm 2013, Kiểm toán nhà nước đã ban hành quyết định thành lập Thanh tra Kiểm toán nhà nước (tương đương cấp Vụ) với nhiệm vụ chính là tiến hành thanh tra công vụ trong hoạt động kiểm toán, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và quy định của Kiểm toán nhà nước đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc Kiểm toán nhà nước. Qua đó nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành.

Sau khi có Nghị quyết số 131-QĐ/TW, Kiểm toán nhà nước đã quán triệt, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm toán nhà nước theo tinh thần của quy định. Thời điểm quý IV-2023, Kiểm toán nhà nước đã triển khai xây dựng các văn bản quản lý về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra và Tổng Kiểm toán nhà nước đã giao nhiệm vụ cho các Tổ soạn thảo hoàn thành việc xây dựng văn bản quản lý trong quý I, II năm 2024.

Chánh Thanh tra Lưu Trường Kháng cũng cho biết, bên cạnh những quy trình, quy chế nêu trên, hằng năm, Kiểm toán nhà nước là một trong những đơn vị đi đầu thực hiện rất nghiêm túc việc kê khai, xác minh tài sản.

Trong thời gian tới, Thanh tra Kiểm toán nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò thanh tra, trong đó tập trung chủ yếu vào thanh tra công chức, công vụ; đồng thời nâng cao chất lượng công tác thanh tra trong hoạt động kiểm toán của các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức, kiểm toán viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm toán, qua đó góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán.

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-cao-chat-luong-cong-tac-thanh-tra-trong-hoat-dong-kiem-toan-783737