Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho người lao động

Song song với công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động; thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động đã được Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội chú trọng. Qua đó, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ổn định chính trị cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) toàn ngành.

Cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành Công Thương, sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, ngay từ đầu năm, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở (CĐCS) tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch, hướng dẫn, văn bản của LĐLĐ Thành phố. Công đoàn ngành tập trung chỉ đạo các CĐCS tổ chức tuyên truyền đợt thi đua cao điểm, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Bên cạnh đó, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức phát động Tháng Công nhân năm 2024 và tổ chức các phong trào thi đua, các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ góp phần cổ vũ, động viên, nâng cao nhận thức, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục cho đoàn viên, người lao động.

Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục cho đoàn viên, người lao động.

Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, theo ông Phạm Anh Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, từ ngành đến cơ sở đã đồng loạt tổ chức các phong trào thi đua, như: “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Sáng kiến, sáng tạo”, “Công nhân giỏi”, “Người tốt - Việc tốt” trong CNVCLĐ; tổ chức hoạt động “Cảm ơn người lao động”, triển khai Tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp; Các hoạt động văn hóa, thể thao, khám sức khỏe cho người lao động.

Theo đại diện Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, qua buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến, những vấn đề vướng mắc, phát sinh tại cơ sở liên quan đến các lĩnh vực về pháp luật, an toàn vệ sinh lao động, an ninh mạng đã được các chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn, giải đáp thỏa đáng, giúp cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động nắm rõ hơn, hiểu đúng hơn về pháp luật để tự bảo vệ quyền lợi của chính mình; hạn chế xung đột, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, tạo môi trường làm việc dân chủ, gắn bó, cống hiến hết mình với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng thời, Công đoàn ngành đã chỉ đạo các CĐCS phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong CNVCLĐ và triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”, gắn với thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”; đưa nội dung học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên, người lao động vào nội dung nghị quyết Hội nghị người lao động, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…

Trong đó, các cấp Công đoàn ngành đã tập trung tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “Nghị quyết Đại hội Công đoàn và hành động của đoàn viên, người lao động”, “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác An toàn, vệ sinh lao động”... triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến “Người tốt - Việc tốt”; Cuộc thi viết tìm hiểu “95 năm Công đoàn Việt Nam - Hành trình xây dựng và phát triển”; Cuộc thi ảnh “Dấu ấn Công đoàn và người lao động”; triển khai công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia phong trào hiến máu tình nguyện; phòng chống HIV/AIDS, tội phạm, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội; phòng ngừa, ngăn chặn “tín dụng đen” được người lao động tích cực hưởng ứng tham gia…

Từ các hoạt động trên có thể thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ được Công đoàn ngành luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao đến các CĐCS thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời, các cấp Công đoàn từ ngành đến cơ sở thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận trong CNVCLĐ; phản ánh kịp thời với cấp trên nhằm tháo gỡ những bức xúc phát sinh tại cơ sở… Qua đó, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Để công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động đạt được kết quả cao hơn nữa. Theo đại diện Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, thời gian tới, Công đoàn ngành xác định sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong CNVCLĐ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp đến CĐCS và đoàn viên, CNVCLĐ, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; tổ chức các lớp tuyên truyền giáo dục pháp luật trong CNVCLĐ... bằng các phương thức mới, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị nhằm tạo ra sức lan tỏa lớn trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong toàn ngành, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-chat-luong-cong-tac-tuyen-truyen-giao-duc-cho-nguoi-lao-dong-176928.html