Nâng cao chất lượng dân số
Để đánh giá chất lượng dân số của một quốc gia chính là bảo vệ sức khỏe trẻ em ngay từ khi chào đời. Trong đó, việc tầm soát và chẩn đoán trước khi sinh để phát hiện, phòng tránh các dị tật bẩm sinh là hoạt động không thể thiếu. Xác định tầm quan trọng này, Sở Y tế đã tích cực triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động, can thiệp, chẩn đoán sớm bệnh, tật ở thai nhi và sơ sinh.
TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác DS trong tình hình mới đặt ra mục tiêu tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 là: 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất gồm hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edwards, bệnh Thalassemia. Những năm qua, Sở Y tế đã tích cực triển khai thực hiện đề án trên với nhiều giải pháp, như: Xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản hướng dẫn tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tổ chức các buổi truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh… từng bước đạt nhiều chuyến biến rõ rệt”.
An Giang là một trong những tỉnh có số lượng gửi mẫu xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tầm soát nhiều nhất. Đến nay, tỉnh đang tiếp tục nỗ lực để nhiều người dân được tiếp cận với các thông tin, dịch vụ về tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. BS.CKII Hồ Thái Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cho biết: “Là bệnh viện tuyến tỉnh, chuyên khoa chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Từ năm 2020, bệnh viện bắt đầu thực hiện sàng lọc trước sinh trên bà mẹ mang thai, lấy mẫu xét nghiệm NIPT gởi Viện Di truyền TP. Hồ Chí Minh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và các thai phụ thấy được hiệu quả của việc sàng lọc trước sinh, nên mỗi năm số lượng xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh NIPT ngày càng tăng. Từ năm 2020 đến nay, bệnh viện đã sàng lọc trước sinh, lấy gần 2.000 mẫu xét nghiệm cho bà mẹ mang thai, giúp chị em có cơ hội được sàng lọc gen, phát hiện bất thường số lượng nhiễm sắc thể… góp phần cải thiện chất lượng dân số”.
Vừa qua, Sở Y tế ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Gene Solutions Lab (Gene Solutions), triển khai chương trình “Xã hội hóa xét nghiệm triSure NIPT cho mọi thai phụ, nâng cao chất lượng dân số Việt”. Thông qua chương trình, Gene Solutions trao tặng 55 mẫu xét nghiệm triSure NIPT (30 mẫu triSureFirst và 25 mẫu triSure Thalass) đến các thai phụ có hoàn cảnh khó khăn tại An Giang, với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Các mẫu xét nghiệm được Sở Y tế phân bổ cho 5 địa phương: TP. Long Xuyên, TX. Tịnh Biên, huyện An Phú, Phú Tân, Tri Tôn. Theo đó, phụ nữ đang mang thai trong quý I thai kỳ được hỗ trợ làm miễn phí một trong 2 loại xét nghiệm NIPT-triSureFirst hoặc triSure Thalass. Trong đó, triSureFirst là xét nghiệm NIPT sàng lọc các bất thường số lượng nhiễm sắc thể phổ biến ở thai nhi, gồm: Hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau; triSure Thalass là xét nghiệm NIPT có phạm vi khảo sát các hội chứng Down, Edwards, Patau, Turner và tích hợp sàng lọc bệnh Tan máu bẩm sinh Thalassemia. Nếu thai phụ có kết quả xét nghiệm “dương tính” và được tư vấn, chỉ định chọc ối/sinh thiết gai nhau để chẩn đoán cho thai thì sẽ nhận hỗ trợ chi phí từ Gene Solutions (tối đa 1,5 triệu đồng với gói triSureFirst và 3,5 triệu đồng với triSure Thalass).
Theo Phó Giám đốc Kinh doanh Gene Solutions Phan Thị Huệ, tại hội thảo “Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh” khu vực ĐBSCL lần 9, từ năm 2013 - 2023, có 83.626 thai phụ được sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ và 12 tỉnh nằm trong dự án. Qua sàng lọc, đã phát hiện 2.461 trường hợp thai kỳ bất thường; chấm dứt thai kỳ 819 trường hợp dị tật nặng, chủ yếu là 4 bệnh phổ biến: hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edwards, bệnh Thalassemia.
“Chương trình dự kiến dành tặng 2.000 xét nghiệm triSure NIPT đến các thai phụ cả nước. Chúng tôi mong góp phần nâng cao nhận thức thai phụ trong tầm soát dị tật bẩm sinh cho trẻ và đồng hành cùng bác sĩ sản khoa đưa NIPT trở thành xét nghiệm sàng lọc trước sinh đầu tiên cho mọi thai phụ, phổ thông hóa phương pháp sàng lọc dị tật bẩm sinh NIPT. Việc tiếp cận với những người phụ nữ yếu thế, giúp chị em có cơ hội được sàng lọc gen, phát hiện bất thường số lượng nhiễm sắc thể… góp phần cải thiện chất lượng dân số”- bà Phan Thị Huệ cho biết.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-chat-luong-dan-so-a401368.html