Nâng cao chất lượng dân số vì sự phát triển bền vững của đất nước
Dân số là yếu tố quan trọng của mỗi quốc gia, đóng vai trò quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, chất lượng dân số luôn được các quốc gia quan tâm, đầu tư.
Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm cho hay, hiện công tác dân số chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, trong đó lấy mục tiêu nâng cao chất lượng dân số làm nòng cốt.
Quan tâm chất lượng giống nòi
Bác sĩ Trần Minh Tài, Phó trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết so với trước đây, người dân đã quan tâm hơn đến chất lượng giống nòi. Nhiều cặp nam nữ đã có ý thức đi khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm kịp thời phát hiện những bất thường nếu có. Công tác tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh được thực hiện nhiều hơn nhằm kiểm tra em bé có bị dị tật hoặc các bệnh bẩm sinh nào không.
Chủ đề của Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm 2024 là Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc.
Để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ, nhiều gia đình đã chú ý đến lịch tiêm chủng để đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Chất lượng dinh dưỡng được đảm bảo từ các khẩu phần ăn. Hoạt động thể lực được nhiều phụ huynh quan tâm, giúp trẻ phát triển toàn diện về trí - thể - mỹ.
Theo thống kê của Chi cục Dân số tỉnh, trong năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 32,6 ngàn trẻ được sinh ra, giảm hơn 1,3 ngàn trẻ so với năm ngoái. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên chiếm 0,7%.
Các chuyên gia nhận định, các cặp vợ chồng đang có xu hướng sinh ít con hơn để tập trung nuôi dạy cho tốt. Bởi trong thời đại hiện nay, việc đầu tư nuôi dạy trẻ không phải chuyện dễ; áp lực cuộc sống về “cơm áo gạo tiền” tác động không nhỏ đến quyết định sinh con của các cặp vợ chồng.
Khuyến khích sinh đủ 2 con
Tại Lễ Mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Đó là việc duy trì mức sinh thay thế chưa thật sự bền vững; xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp (năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo). Bên cạnh đó, chênh lệch tỷ số giới tính vẫn ở mức cao với 112 bé trai/100 bé gái. Ngoài ra, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên vẫn còn. Tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống cần được cải thiện nhiều hơn...
Mục tiêu của công tác dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong năm 2025 là chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số tiếp tục đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách về công tác dân số.
Tại Đồng Nai, công tác dân số được các cấp lãnh đạo quan tâm. Để tăng mức sinh, đảm bảo quy mô, chất lượng dân số, HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo nghị quyết này, từ ngày 1-1-2025, những xã, phường, thị trấn thực hiện 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con thì được hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng. Xã, phường, thị trấn thực hiện 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng. Phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, thường trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được hỗ trợ một lần số tiền 1 triệu đồng. Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được miễn phí thực hiện tầm soát trước sinh (sàng lọc trước sinh), tầm soát sơ sinh (sàng lọc sơ sinh) tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng dân số, trong năm 2024, Chi cục Dân số tỉnh đã chủ trì, phối hợp tốt Chương trình Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Kết quả có hơn 7,4 ngàn trẻ vị thành niên, thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, tăng 10% so với năm 2023; trên 23,4 ngàn thai phụ được sàng lọc trước sinh. Qua sàng lọc, phát hiện 63 ca nghi ngờ mắc dị tật bào thai. Các thai phụ đã được tư vấn, hướng dẫn chuyển tuyến trên để thực hiện chẩn đoán xác định. Ngoài ra, có hơn 28,3 ngàn trẻ được sàng lọc sơ sinh, chiếm 87% tổng số trẻ được sinh ra.
Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai rộng rãi. Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được đẩy mạnh. Kết quả có hơn 15,8 ngàn người cao tuổi được khám sức khỏe tổng quát, siêu âm, đo điện tim, tổng phân tích tế bào máu, sinh hóa máu, phân tích nước tiểu… Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm ngày càng tăng.