Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm lao động nông thôn
Với phương châm 'trao cần câu' và 'dạy cách câu', thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang đã có những kết quả thiết thực.
Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp người dân có việc làm, nâng cao năng suất lao động, thu nhập ổn định
An Giang là tỉnh có dân số đông trong số các tỉnh khu vực ĐBSCL, với hơn 1,9 triệu người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm khoảng 52,54% dân số của tỉnh. Tuy có nguồn lao động dồi dào, song trình độ học vấn, tay nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo của lực lượng lao động còn thấp so bình quân của cả nước, nhất là lao động ở khu vực nông thôn. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành chức năng luôn quan tâm chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách định hướng cụ thể và tăng cường đầu tư ngân sách, huy động các nguồn lực, gắn kết công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở khu vực nông thôn vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nguồn lao động dồi dào ở địa phương, thông qua các chương trình, đề án (hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm từ quỹ Quốc gia về việc làm…) đã tạo điều kiện cho lao động thanh niên, lao động nữ, lao động là người tàn tật, người dân tộc thiểu số… có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân vươn lên trong cuộc sống và góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn.
5 năm qua (2016-2020), toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề 125.400 người (đạt 100,3% kế hoạch), trong đó tổ chức 3.852 lớp đào tạo nghề cho hơn 115.300 lao động nông thôn. Sau đào tạo, có trên 81.000 lao động có việc làm (đạt 77,29%). Ngoài ra, đã có 19 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng đào tạo gần 8.000 người, với kinh phí hỗ trợ trên 9,5 tỷ đồng.
Điển hình như: Công ty Cổ phần Nam Việt tham gia đào tạo 3 lớp trung cấp nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, tại vùng nuôi trồng công nghệ cao của công ty (Châu Phú), với 77 học viên, kinh phí hỗ trợ trên 1,1 tỷ đồng. Sau khi tốt nghiệp, trên 90% học viên được công ty tiếp nhận vào làm việc, lương khởi điểm từ 5-6 triệu đồng/tháng/người.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Khánh Hòa, Châu Phú) chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tôi đã áp dụng hiệu quả những kiến thức đã học vào việc trồng rau màu, hoa vụ Tết. Đồng thời, tự tìm tòi, học hỏi, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, xóa bỏ các phương thức canh tác, sản xuất lạc hậu; mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động khác”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm lao động nông thôn vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, như: một số địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có lúc còn thiếu gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm cho người lao động, chưa phù hợp nhu cầu thực tế; thời gian đào tạo ở một số lớp nghề chưa đảm bảo nên một số lao động sau đào tạo chưa tìm được việc làm phù hợp. Việc làm của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, mang tính chất thời vụ…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách trong phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, vận động lực lượng lao động trẻ tham gia học nghề để cải thiện sản xuất ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao thu nhập cho lao động, nhất là ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường hơn nữa việc phối hợp các doanh nghiệp trong đẩy mạnh tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với đơn đặt hàng, các mô hình sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng theo công nghệ cao của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các nhà giáo tâm huyết, cá nhân có điều kiện kinh tế thành lập các trường, cơ sở đào tạo nghề truyền thống theo xu hướng mới. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.
Triển khai thực hiện tốt và kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm tạo điều kiện cho người lao động thuộc hộ nghèo, lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội, các đối tượng đặc thù... có điều kiện tham gia học nghề. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.