Nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật trong xu thế hội nhập

Mới đây, trong khuôn khổ chương trình giao lưu truyền thống các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: 'Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn hiện nay'.

Buổi tọa đàm do PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và TS. Vũ Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chủ trì, thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo, nhà nghiên cứu và đại diện các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước.

Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện lần này, không chỉ là cơ hội để các trường học hỏi kinh nghiệm mà còn để thắt chặt tình đoàn kết và phát triển trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Đồng thời, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn, các cơ sở đào tạo nghệ thuật cần chung tay tìm kiếm những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, kỳ vọng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng chính quyền các tỉnh thành sẽ hỗ trợ vượt qua những khó khăn mà những trường văn hóa, nghệ thuật đang gặp phải.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và TS. Vũ Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chủ trì tọa đàm.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và TS. Vũ Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, chủ trì tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đáng chú ý đã được đưa ra, trong đó PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh mục tiêu “Kinh tế chia sẻ - Tri thức chia sẻ”, khuyến khích các trường nghệ thuật đổi mới, cập nhật xu thế để tự cứu mình trong thời kỳ hội nhập.

Bà cũng nhấn mạnh sự ủng hộ từ phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là ưu tiên phát triển chuyển đổi số và xây dựng các hệ thống học mở. Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội được kỳ vọng sẽ tiên phong trong chuyển đổi số và chia sẻ các phương pháp giảng dạy, cũng như kho dữ liệu sinh viên để giúp họ tiếp cận thị trường lao động một cách hiệu quả.

Ngoài ra, đại diện từ các trường như: Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế; Đồng Nai và nhiều cơ sở khác cũng đóng góp những ý kiến tâm huyết.

Các trường đồng thuận về việc tăng cường hợp tác, trao đổi giảng viên và sinh viên giữa các vùng miền nhằm truyền bá chính xác các ngành nghệ thuật đặc thù như chèo, tuồng, ca trù, đờn ca tài tử. Đồng thời, chia sẻ những khó khăn trong việc tuyển sinh, đặc biệt là các ngành nghề nghệ thuật có tính di sản đang gặp nguy cơ mai một, cơ chế tự chủ và chế độ đãi ngộ cho giảng viên, cán bộ công nhân viên cũng là 1 thách thức.

Tọa đàm còn được lắng nghe những chia sẻ, góp ý của NSND Nguyễn Xuân Bắc - Phó Hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội và PGS. TS Lê Vĩnh Hưng - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học sư phạm và nghệ thuật Trung ương đều đánh giá cao tính cấp thiết trong việc lựa chọn nguồn lực về con người.

Buổi tọa đàm là cơ hội để tìm ra những giải pháp bền vững, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của ngành giáo dục nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Buổi tọa đàm là cơ hội để tìm ra những giải pháp bền vững, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của ngành giáo dục nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Theo đó, trong thời gian tới, cần đội ngũ tham mưu đến các lãnh đạo phụ trách quan tâm để đạt hiệu quả trong việc gìn giữ giá trị và vị trí từng ngôi trường. Cần đội ngũ cán bộ giảng viên tâm huyết, cống hiến; tập trung công tác biểu diễn để khẳng định chuyên môn, truyền thông, quảng bá hình ảnh để khẳng định vị thế tên tuổi của các đơn vị đào tạo văn hóa nghệ thuật.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã ghi nhận các ý kiến tại tọa đàm và cam kết nghiên cứu kỹ lưỡng. Ông nhấn mạnh việc trọng dụng nhân tài, phát triển khu công nghiệp văn hóa sáng tạo và nâng tầm nghệ thuật trình diễn; khai thác giá trị độc đáo của từng ngành nghề nghệ thuật.

Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, đã tổng kết các ý kiến đóng góp, ghi nhận những trăn trở của các đại biểu. Đồng thời, cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn chung. Ông cũng kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn từ lãnh đạo các cấp, tạo điều kiện cho các trường nghệ thuật có thể hoàn thành sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Buổi tọa đàm không chỉ là dịp để nhìn lại những thách thức mà các trường nghệ thuật đang đối mặt mà còn là cơ hội để tìm ra những giải pháp bền vững, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của ngành Giáo dục nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Mỹ Dung - Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-thuat-trong-xu-the-hoi-nhap-179632.html