Nâng cao chất lượng dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới
Nhiều ý kiến tâm huyết đã gửi đến Hội thảo khoa học nhằm nâng cao chất lượng dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới.
Ngày 26/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng dạy, học môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Tạo chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng, TS Trần Ngọc Thanh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Bộ GD&ĐT cho biết: Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) có vị trí quan trọng xây dựng nguồn nhân lực từ sớm, từ xa trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới, nâng cao chất lượng GDQPAN trong các sở giáo dục; các cơ sở giáo dục đại học cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đào tạo cho học sinh, sinh viên phát triển toàn diện, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có ý thức, tri thức và kỹ năng quân sự cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các bộ, ban ngành, các địa phương, các cơ sở giáo dục, môn học GDQPAN cho HSSV đã đạt được những kết quả quan trọng; tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của HSSV về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, công tác GDQPAN còn bộc lộ một số hạn chế như: nội dung, chương trình chưa theo kịp sự đổi mới, phát triển của GD-ĐT; đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng, chất lượng còn có mặt hạn chế; công tác bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy và học còn thiếu. Đặc biệt, các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này còn hạn chế.
Diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi
Để nâng cao chất lượng môn học GDQPAN, việc nâng cao chất lượng dạy, học giữ vai trò quan trọng quyết định. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học để tìm ra nội dung, giải pháp đổi mới giáo dục quốc phòng và an ninh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Vì vậy, Bộ GDĐT tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng dạy, học môn học GDQPAN cho HSSV đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các cán bộ quản lý tham gia ý kiến trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, qua đó tìm giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học GDQPAN.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: GDQPAN cho HSSV là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của GDQPAN, thời gian qua, Đảng Nhà nước các bộ ngành, Hội đồng GDQPAN các cấp đã luôn quan tâm chỉ đạo sát sao. Bộ GD&ĐT trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 đã đặc biệt quan tâm đến nội dung GDQPAN cho HSSV.
Để Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia chỉ ra những nội dung quan trọng để nâng cao chất lượng môn học GDQPAN cho HSSV, tập trung làm rõ những vấn đề lý luận về GDQPAN, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong công tác giáo dục quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Từ đó đề xuất với Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương ban hành chủ trương chính sách liên quan đến GDQPAN, đề xuất các giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy GDQPAN trong HSSV, bồi dưỡng kiến thức GDQPAN cho đội ngũ cán bộ công chức, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới.
Ban Tổ chức đã nhận được gần 60 bài viết tham luận gửi Hội thảo. Các nội dung tham luận đã đề cập đến toàn diện các hoạt động công tác Giáo dục quốc phòng và an ninh, phong phú, đa dạng từ cách nhìn nhận, tiếp cận trong từng chủ đề tham luận, với sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên tham dự Hội thảo.