Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đủ 'tài' và 'đức' đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng của trường. Phóng viên Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Phước Dũng - Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh về những giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phóng viên: Những năm qua, Trường Chính trị tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đồng chí có thể chia sẻ đâu là yếu tố quan trọng để nhà trường đạt được những kết quả đáng ghi nhận?
Đồng chí Nguyễn Phước Dũng: Theo Quy định 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một trong những chức năng quan trọng nhất của Trường Chính trị cấp tỉnh là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính. Để thực hiện tốt chức năng đó, chủ thể quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên, góp phần trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học tại nhà trường.
Đồng thời, trước tình hình mới, việc hiện đại hóa trong công tác dạy và học là con đường tất yếu để góp phần xây dựng Trường Chính trị chuẩn. Trường Chính trị chuẩn không chỉ “chuẩn” về trình độ của đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy mà còn phải thực sự “chuẩn” về môi trường học tập, nghiên cứu. Đã không còn thời dạy học chỉ đơn sơ bảng đen - phấn trắng, thầy đọc - trò chép và cũng không còn những giờ học chính trị căng thẳng với người thầy “thao thao bất tuyệt”. Tất cả sẽ phải thay đổi. Thay đổi từ cách giảng dạy đến phương tiện giảng dạy. Thay đổi từ môi trường học tập đến các hoạt động lên lớp. Những yêu cầu này đều phải và nên bắt đầu từ sự hiện đại hóa. Quá trình hiện đại hóa không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn là mục tiêu, là động lực để mỗi người giảng viên phấn đấu, tự học tập và rèn luyện bản thân mình với những thay đổi nhanh chóng của xã hội.
Phóng viên: Thưa đồng chí, Trường Chính trị tỉnh đã triển khai những giải pháp gì để xây dựng được đội ngũ giảng viên đạt, vượt chuẩn quy định như hiện nay?
Đồng chí Nguyễn Phước Dũng: Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh có 25/26 giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên; trong đó, 5 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 5 giảng viên đang học nghiên cứu sinh; 1 giảng viên cao cấp và 13 giảng viên chính. Trường Chính trị tỉnh là 1 trong 10 Trường Chính trị cấp tỉnh có số lượng tiến sĩ, nghiên cứu sinh nhiều nhất của cả nước.
Để có được kết quả này, những năm qua, trường đã đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên không chỉ về chuyên môn mà còn thường xuyên bồi dưỡng về kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như phương pháp dạy học tích cực, hiện đại. Hàng năm, giảng viên của trường đều tham gia đầy đủ các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do tỉnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Đồng thời, lãnh đạo nhà trường quan tâm chỉ đạo, khuyến khích đội ngũ giảng viên thường xuyên chủ động, sáng tạo đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp trong từng nội dung bài giảng.
Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường, Tỉnh ủy rất quan tâm khi quyết định đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, Trường Chính trị tỉnh chủ động mời các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên các cơ sở đào tạo khác tham gia thỉnh giảng. Đây là cơ hội để giảng viên của trường trao đổi kinh nghiệm, bổ sung kiến thức chuyên môn.
Nhờ thường xuyên được cập nhật, trau dồi kiến thức mới, nên trong các kỳ Hội thi giảng viên giỏi toàn quốc lần thứ VII (năm 2022) và lần thứ VIII (năm 2023), tất cả giảng viên của Trường Chính trị tỉnh tham gia dự thi đều đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”, “Giảng viên dạy xuất sắc”.
Phóng viên: Bên cạnh kiến thức chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn của giảng viên cũng hết sức quan trọng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí đánh giá thế nào về việc nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh?
Đồng chí Nguyễn Phước Dũng: Các hoạt động nghiên cứu khoa học, một mặt, giúp đội ngũ giảng viên vừa nâng cao nhận thức lý luận, vừa góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Từ đó, góp phần phục vụ công tác giảng dạy và bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Hàng năm, nhà trường luôn khuyến khích các giảng viên đăng ký thực hiện đề tài khoa học các cấp và xem đây là một tiêu chí trong xét thi đua, khen thưởng của Phòng, Khoa và giảng viên. Đồng thời, giảng viên luôn tích cực nghiên cứu viết bài đăng trên Trang thông tin điện tử của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, Tạp chí có chỉ số ISSN, Tạp chí quốc tế với số lượng ngày càng tăng. Ngày càng nhiều giảng viên tham gia là thành viên và chủ biên xuất bản các sách tham khảo, chuyên khảo phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu. Từ năm 2019 đến nay, Trường Chính trị tỉnh thực hiện hoàn thành 1 đề tài khoa học và 2 đề án cấp tỉnh; 15 đề tài khoa học cấp trường; tổ chức 2 hội thảo khoa học cấp tỉnh và tương đương, 1 hội thảo khoa học cấp Bộ, 15 hội thảo - tọa đàm cấp trường, trong cụm, Khối thi đua; xuất bản 7 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo, kỷ yếu hội thảo khoa học...
Nhìn chung, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đề xuất sáng kiến, kinh nghiệm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng được giảng viên tham gia thường xuyên, có chất lượng. Các đề tài nghiên cứu khoa học đều được ứng dụng, triển khai trong thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, học tập và các hoạt động khác của nhà trường, đồng thời phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong suốt những năm qua; qua đó, có những đề xuất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở.
Phóng viên: Thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh có chiến lược như thế nào nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên đủ “tài” và “đức” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Phước Dũng: Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở và cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị, nhà trường tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị; thường xuyên bồi dưỡng và tổ chức cho giảng viên đi thực tế để tích lũy thêm kinh nghiệm, giúp đội ngũ giảng viên trẻ tự tin, bản lĩnh hơn với nghề nghiệp của mình. Xây dựng và phát triển thế hệ tiếp nối trên tinh thần: Mỗi người giảng viên phải là tấm gương tự phấn đấu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức thực tiễn. Đồng thời tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, tổng hợp kiến thức liên ngành để không ngừng nâng chất trong hoạt động giảng dạy.
Mặt khác, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh cần tiếp tục là ngọn cờ đầu trong công tác tham mưu, phản bác, đấu tranh các quan điểm sai trái, thù địch; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của giảng viên trong công tác tuyên truyền, định hướng cho học viên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, vừa là tấm gương trong xây dựng văn hóa trường Đảng.
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
P.L (thực hiện)