Nâng cao chất lượng Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tạo hiệu ứng tốt
Bối cảnh mới phát sinh nhiều vấn đề tham nhũng, tiêu cực, do đó cần nâng cao chất lượng Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tạo để tạo hiệu ứng tốt.
Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động nhằm nâng cao và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Qua thành công của 4 lần tổ chức trước, Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã vinh danh hàng trăm tác phẩm, hàng nghìn nhà báo. Theo Ban tổ chức, việc vinh danh các tác phẩm đoạt giải chính là hoạt động nhằm cổ vũ, tiếp thêm động lực cho những người làm báo cả nước đã kịp thời phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực, được dư luận đánh giá cao và có những tác động tích cực với xã hội và những người làm báo. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Nêu quan điểm tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ năm, năm 2024 - 2025 được tổ chức chiều 15/5, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo giải cho biết, quá trình tổ chức thực hiện và xây dựng các văn bản của Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ năm cần bám sát các định hướng, quan điểm, chủ trương của Đảng trong vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các văn bản chỉ đạo mới của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, bên cạnh triển khai những phần việc theo quy trình tổ chức giải, các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức giải cần lưu ý những điểm mới, đánh giá, rút kinh nghiệm sau 5 lần tổ chức giải, từ đó tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được.
Đặc biệt, bối cảnh mới phát sinh nhiều vấn đề tham nhũng, tiêu cực, do đó cần nâng cao chất lượng của giải để Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ năm tạo được hiệu ứng tốt hơn. Đồng thời cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng trước, trong và sau Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ năm.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo giải mong muốn, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí sẽ tích cực phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huy động, tập hợp đông đảo các cơ quan báo chí tham gia giải, từ đó đóng góp thêm nhiều tác phẩm báo chí chất lượng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tham dự giải lần này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà tin tưởng, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ năm, năm 2024 - 2025 sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực và đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 diễn ra từ ngày 13/11/2021 đến 31/8/2023 đã ghi nhận tổng cộng 1.078 tác phẩm dự thi hợp lệ ở 4 thể loại báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của hơn 121 cơ quan báo chí trên cả nước gửi tham dự.
Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích.