Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Lịch sử, văn hóa là giá trị cốt lõi của mỗi quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vẫn còn hạn chế. Để nâng cao chất lượng, phương pháp giáo dục cần đặt trọng tâm vào việc dạy tổng hợp, liên ngành.
Những ý kiến trên được các chuyên gia chia sẻ trong hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội” do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vừa tổ chức.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các cán bộ, giáo viên một số trường phổ thông trên địa bàn đã đánh giá thực trạng giảng dạy nội dung lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo TS Nguyễn Thị Bích - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, về mặt chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cần có sự đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu với các thầy, cô giáo. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu dạy học hiện tại, nhà trường nên lựa chọn những giáo viên có kiến thức gần với nội dung giáo dục địa phương nhất, ví dụ như: văn học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia gửi về Hội thảo cũng đồng quan điểm này. TS Hà Xuân Nhâm - Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ thực trạng: Lãnh đạo cơ sở giáo dục ở một số nơi chưa coi trọng đúng mức, chưa tạo điều kiện, quan tâm, ủng hộ giáo viên thực hiện tốt công tác này. Ở một vài cơ sở, công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động này chưa được thường xuyên nên chưa thành nề nếp hoặc còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, tác dụng giáo dục chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng giáo dục vốn có của những di sản lịch sử, văn hóa tại địa phương.
Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc phân công, bố trí giáo viên dạy nội dung địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, như một môn học độc lập, nhưng lại chưa có giáo viên được đào tạo để dạy nội dung này một cách chuyên sâu. Vì vậy, các nhà trường rất vất vả trong việc vừa phải sắp xếp giáo viên dạy có chuyên môn phù hợp để dạy từng chủ đề, từng mạch kiến thức vừa phải cân đối trong phạm vi biên chế giáo viên của cơ sở giáo dục. Điều đó cũng gây nên những khó khăn trong việc trao đổi thống nhất nội dung chuyên môn và phương pháp giảng dạy.
Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy
Trên cơ sở thực trạng trên, các chuyên gia, nhà giáo đã chia sẻ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội; chia sẻ về mô hình thiết kế và tổ chức trò chơi khi giảng dạy nội dung lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong môn giáo dục địa phương nhằm nâng cao hứng thú học tập cho học sinh.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định, muốn nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cần nghiên cứu căn cơ, bài bản giá trị lịch sử của Thủ đô. Trọng tâm phải đặt vào tổ chức phương pháp giảng dạy tổng hợp liên ngành và phát huy năng lực sáng tạo của giáo viên, học sinh.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ là phương pháp được nhiều giáo viên áp dụng để nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử, văn hóa. Theo giáo viên Phạm Thị Ngà - Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: trong môn lịch sử, kênh hình vô cùng quan trọng đối với học sinh. Vì thế, giáo viên cần tập trung nghiên cứu và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy lịch sử địa phương. Dạy học bằng bài giảng điện tử, trực tiếp đưa vào bài giảng những hình ảnh, tư liệu minh họa thực tế sinh động. “Được nhà trường quan tâm trang bị cho máy chiếu Projector, ti vi thông minh, máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay, hệ thống máy vi tính được nối mạng Internet, 100% giáo viên trường tôi đã không ngừng học hỏi đồng nghiệp và tự học để ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật các phần mềm ứng dụng hiện đại vào dạy vào các môn học” - cô Phạm Thị Ngà thông tin.
Đồng quan điểm này, giáo viên Đào Thu Thủy - Trường Tiểu học Thanh Thùy (Thanh Oai) chia sẻ: Giáo viên cần áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, sinh động và hấp dẫn để thu hút sự chú ý và hứng thú của học sinh. Có thể sử dụng công nghệ thông tin, các phương tiện nghe nhìn, video, hình ảnh minh họa để làm cho các tiết học lịch sử trở nên sống động hơn. Tổ chức các buổi học ngoại khóa, tham quan thực tế tại các di tích lịch sử, bảo tàng cũng là một phương pháp hiệu quả.