Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là giải pháp thiết thực nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Xác định nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cấp thiết, vừa đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa đáp ứng yêu cầu quy hoạch của tỉnh và khu vực, giai đoạn 2016 - 2020, Lào Cai đã sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (1 trung tâm dạy nghề tư thục), trong đó có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với tổng quy mô được cấp phép tuyển sinh 110 mã nghề với 9.430 người/năm. Trong đó, trình độ cao đẳng có 18 mã nghề, trung cấp có 35 mã nghề và sơ cấp có 57 mã nghề. Hầu hết các cơ sở GDNN trong tỉnh có liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, đồng thời chủ động tổ chức đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19.
Cơ chế, chính sách về dạy nghề đã tạo cơ hội để người có nhu cầu học nghề được tham gia, đồng thời hình thành và phát triển đội ngũ người dạy nghề cả ở trong các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, làng nghề... Số lượng tuyển sinh tăng đều qua các năm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp dạy nghề có việc làm tăng.
Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Trường Cao đẳng Lào Cai được lựa chọn để đầu tư 7 nghề trọng điểm cấp quốc tế, ASEAN, quốc gia. Đây là một trong những điểm mạnh của nhà trường nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian qua, Trường Cao đẳng Lào Cai xác định “linh hoạt để thích ứng” không phải là khẩu hiệu mà phải biến thành hành động trong công tác giáo dục nghề nghiệp.
Riêng trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng toàn tỉnh vẫn tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 10 nghìn người, đạt 101,2% kế hoạch năm (3,2 nghìn người trình độ cao đẳng và trung cấp; hơn 7,3 nghìn người trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng). Trong số này có hơn 8,4 nghìn lao động nông thôn tham gia học nghề, tỷ lệ người dân tộc thiểu số học nghề đạt 63,9%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung năm 2021 lên 65,8%, tăng 0,8% so với năm trước, cung cấp kịp thời nguồn nhân lực qua đào tạo ở các ngành nghề doanh nghiệp cần như điện, hàn, công nghệ ô tô, xây dựng; du lịch, nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng, nấu ăn, pha chế, hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ y, dược, điều dưỡng, tiếng Trung Quốc, nông - lâm nghiệp…
Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã sắp xếp, bố trí cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm. Tỉnh khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia các cuộc thi dạy nghề, thao giảng trong khu vực và toàn quốc (đã có 4 giảng viên, giáo viên của Trường Cao đẳng Lào Cai và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh đoạt giải tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021), qua đó bổ sung kinh nghiệm, kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là với những giáo viên dạy thực hành trên thiết bị, máy móc.
Vừa qua, tỉnh đã thu hút thêm nhiều dự án đầu tư lớn với những ngành nghề đòi hỏi lao động có tay nghề chuyên môn phù hợp. Việc tích cực nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp sẽ góp phần cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho lao động trẻ, tạo nên một thế hệ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp, phù hợp với thời đại 4.0.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358551-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep