NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Tại hội thảo 'Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân lý luận và thực tiễn' do Ban Công tác đại biểu phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 21/9, các chuyên gia nhận định, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường hiệu quả hậu giám sát cũng như các yếu tố bảo đảm...
Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân, thể hiện vai trò, vị trí của cơ quan quyền lực nhà nước, đồng thời là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tại địa phương. Xác định được vị trí, vai trò của hoạt động giám sát, với phương châm ngày càng đổi mới, từng bước khắc phục tính hình thức trong hoạt động giám sát, trong những năm vừa qua, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ chế thực thi pháp luật trong hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cũng được tổ chức thực hiện thực chất, hiệu quả.
Theo quy định của pháp luật, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân bao gồm: giám sát tập thể Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và giám sát của cá nhân các đại biểu Hội đồng nhân dân. Hoạt động giám sát có thể được tổ chức tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân và giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Cho ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước tăng lên về số lượng và nâng cao chất lượng; đổi mới phương thức tổ chức hoạt động giám sát theo hướng lựa chọn, tập trung vào những vấn đề cấp thiết của địa phương,…
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác giám sát có hiệu quả chưa cao; một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu, phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế; hoạt động chất vấn ở phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân chưa được thường xuyên, cấp huyện, cấp xã còn ít tổ chức phiên giải trình;…
Phân tích nguyên nhân của hạn chế này, các chuyên gia cho rằng, có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; từ hạn chế trong thực tiễn thực thi quy định pháp luật.
Vì vậy, để tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, khuyến nghị cụ thể. Trong đó, đặc biệt lưu ý việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.
Theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trường Đại học Luật Hà Nội, trong quá trình hoàn thiện quy định pháp luật về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các cơ quan cần dựa trên những tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân như: Hiệu lực thi hành các kiến nghị của hoạt động giám sát; Mức độ đạt được của kết quả giám sát so với mục đích giám sát đã đề ra;…
Đưa ra giải pháp cụ thể liên quan đến hoàn thiện quy định pháp luật, TS. Đoàn Thị Tố Uyên đề nghị, cần quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, có quy định cụ thể về hậu quả pháp lý đối với những trường hợp Tòa án nhân dân hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp không thực hiện đúng các quy định pháp luật trong tổ chức và hoạt động mà thông qua hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân phát hiện được. Hoặc là giới hạn lại thẩm quyền và đối tượng giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện theo hướng Hội đồng nhân dân chỉ tập trung giám sát vào đối tượng chủ yếu là cơ quan chấp hành -Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Nêu giải pháp về nội dung này, từ hoạt động thực tiễn tại địa phương, TS. Phạm Quốc Ka, Trưởng ban Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân Tp. Hải Phòng đề xuất, tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách, khuyến khích đại biểu tái cử. Theo đó, cần bố trí thêm Ủy viên chuyên trách của các Ban Hội đồng nhân dân. Đảm bảo hợp lý tỷ lệ đại biểu ở các cơ quan chính quyền và đại biểu công tác ở các cơ quan khối Đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp theo hướng giảm số đại biểu kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các cấp.
Ngoài ra, TS. Phạm Quốc Ka cũng kiến nghị: Cần nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân; không ngừng đổi mới hình thức, phương thức giám sát đảm bảo thực chất, hiệu quả hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ vưới các cơ quan, đơn vị, nhất là Đoàn ĐBQH, Ủy bản Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể trong hoạt động giám sát,…
Liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tại các địa phương tổ chức mô hình chính quyền đô thị, PGS. TS. Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Đại biểu Quốc hội khóa XIII khuyến nghị, để tăng cường năng lực và tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho Hội đồng nhân dân quận hoặc Hội đồng nhân dân thành phố tiến hành hiệu quả các hoạt động giám sát đối với hoạt động của chính quyền phường, chính quyền quận, nơi không tổ chức cấp chính quyền, cần nghiên cứu tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân quận hoặc Hội đồng nhân dân thành phố (tùy thuộc vào mô hình chính quyền đô thị cụ thể) ở một tỷ lệ thích đáng để có thể thành lập được các Tổ đại biểu tại tất cả các phường trên địa bàn, đủ số lượng cần thiết để tiến hành các hoạt động giám sát hoạt động của chính quyền phường, quận.
Mặt khác, cũng cần tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách để tăng cường năng lực giám sát của Hội đồng nhân dân, đặc biệt năng lực giám sát của các Ban của Hội đồng nhân dân khi tiến hành các hoạt động giám sát đối với hoạt động của chính quyền phường, chính quyền quận nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.
Tham gia thảo luận tại hội thảo, TS. Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị, cần chú trọng nâng cao hiệu quả “hậu giám sát”. Theo đại biểu, hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân thể hiện ở việc các kết luận, kiến nghị qua giám sát được các cơ quan, tổ chức và cá nhận chịu sự giám sát thực hiện nghiêm chỉnh. Do đó, chất lượng và hiệu lực giám sát càng cao thì hieuj quả haojt động giám sát sẽ càng cao.
Để khắc phục tình trạng kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân còn chậm được thực hiện, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải đề nghị, cần quan tâm theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các kiến nghị, kết luận qua giám sát. Việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát phải đảm bảo kịp thời, hiệu quả và các cơ quan, đơn vị thực hiện phải báo cáo kết quả thực hiện đến Hội đồng nhân dân theo quy định.
Ngoài ra, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Văn Khải cũng lưu ý, cần có quy định, biện pháp chế tài hoặc cơ chế hữu hiệu để quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm trễ hoặc cố ý trì hoãn việc tiếp thu, điều chỉnh theo đúng những kiến nghị của các Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80149