NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ, KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Sáng 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, đánh giá sâu sắc hơn về kết quả, hạn chế, nguyên nhân trong công tác xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay và nhìn đến cuối nhiệm kỳ, đồng thời đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nêu rõ, qua báo cáo cho thấy công tác xây dựng Chương trình vẫn còn nhiều tồn tại chưa khắc phục triệt để, như việc hồ sơ xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng yêu cầu, việc gửi hồ sơ chưa đảm bảo thời gian quy định, tính gối đầu của chương trình cho năm tiếp theo còn thấp, một số dự án trình bổ sung sát với kỳ họp gây không ít khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra cho ý kiến của các cơ quan Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Cùng với đó, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 cũng có nêu một số cơ quan, tổ chức trình dự án luật chưa tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 69, khoản 2 Điều 64 trong việc gửi hồ sơ của các dự án luật để thẩm tra lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới, cũng như đánh giá lồng ghép vấn đề giới trong xây dựng pháp luật, 3/4 địa phương được giám sát còn thiếu số liệu về đánh giá lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Theo đại biểu Trần Thị Thanh Lam, những hạn chế nêu trên cũng đã tồn tại nhiều năm qua và hầu như năm nào cũng được đề cập đến. Do đó, Chính phủ cần quan tâm, mổ xẻ, phân tích rõ nguyên nhân một cách thẳng thắn và tìm giải pháp khắc phục triệt để cho những hạn chế này.

Đại biểu đặt vấn đề có hay không do quy trình, điều kiện, thủ tục, thời gian trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa hợp lý? Có hay không việc năng lực đội ngũ cán bộ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu, hay các điều kiện đảm bảo xây dựng chính sách pháp luật chưa đảm bảo... Đại biểu Trần Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì các dự án luật, pháp lệnh kịp thời thông tin đến các cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi về tình hình chuẩn bị dự án, những vấn đề lớn đang đặt ra, khả năng đáp ứng tiến độ, sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm tra, chỉnh lý, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội để đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.

Chia sẻ với đại biểu Trần Thị Thanh Lam về một số tồn tại hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng công tác lập pháp dường như đang đối mặt với quá nhiều áp lực và những áp lực này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng lập pháp. Việc bổ sung nhiều dự án vào chương trình, một số dự án trình bổ sung sát với kỳ họp Quốc hội khiến cho công tác nghiên cứu, thẩm tra gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Quy trình thẩm tra đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định ở Điều 47 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là hết sức quan trọng nhưng luôn luôn chịu áp lực về thời gian và khó có đủ thời gian để đầu tư thỏa đáng. Kỷ cương trong công tác lập pháp chưa nghiêm khi một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng lập pháp đã được chỉ ra qua nhiều kỳ họp, nhiều lần, lặp đi lặp lại qua nhiều năm nhưng cho đến thời điểm này vẫn nhắc lại

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa kiến nghị bên cạnh việc cần phải mạnh dạn bổ sung những luật yêu cầu thực tiễn đặt ra và có sự chuẩn bị kỹ càng, cũng nên hạn chế bổ sung quá gấp trước kỳ họp một số những dự án luật. Đồng thời, cần tính toán, cân nhắc số lượng luật và nghị quyết được xem xét thông qua hằng năm để đảm bảo tránh áp lực trong phân công cơ quan đầu mối thẩm tra.

Cùng chung kiến nghị, nhấn mạnh yêu cầu nghiêm túc quán triệt các quan điểm, định hướng trong công tác lập pháp, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không bổ sung dự án và chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết do yêu cầu của thực tiễn hoặc để thực hiện yêu cầu trong nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng mới được ban hành chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và cũng không xem xét đối với các dự án không bảo đảm đầy đủ hồ sơ, tài liệu, không bảo đảm chất lượng theo quy định, tránh tình trạng văn bản quy phạm pháp luật vừa ra đời đã gặp phải sự phản đối của người dân và doanh nghiệp hay tình trạng chưa kịp thực thi đã phải sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng phản ánh hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ, hoàn chỉnh; còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa hướng dẫn thi hành. Trong khi đó tình trạng văn bản hướng dẫn thi hành ban hành chậm so với thời điểm có hiệu lực thi hành của luật, pháp lệnh, nghị quyết; còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật; một số quy định có tính khả thi không cao, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Từ những hạn chế nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Quốc hội tăng cường chỉ đạo ban hành theo thẩm quyền; văn bản quy phạm pháp luật phải quy định chi tiết các nội dung còn nợ và xử lý dứt điểm văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; có giải pháp để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản và cần phải có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để khắc phục những bất cập, hạn chế và góp phần nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn, lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời có giải pháp quyết liệt để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 vào Chương trình của năm 2025, đặc biệt là cần khẩn trương rà soát để đề xuất bổ sung các dự án luật để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào chương trình tại Kỳ họp thứ 10./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87171