Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (khóa VIII), nhiệm kỳ 2023–2028...

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam nhấn mạnh: Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đã thành công rất tốt đẹp. Đại hội đã thảo luận và thông qua Nghị quyết và các văn kiện Đại hội. Đặc biệt, trước thềm Đại hội, ngày 20/12/2023 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị, ngày 20/2/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 182-QĐ-TTg về phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030".

"Có thể nói đây là những nội dung hết sức quan trọng định hướng, dẫn dắt cho hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiều năm tới. Để cụ thể hóa, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và ban hành Chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 46, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam; Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ 2023-2028; Kế hoạch thực hiện Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ", Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam, hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là cán bộ Hội chủ chốt các cấp Hội. Do đó, việc triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết phải được tiến hành nghiêm túc, tập trung làm rõ nắm vững những quan điểm, nội dung cốt lõi, mục tiêu tổng quát, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu chủ yếu, để từ đó cụ thể hóa tổ chức triển khai, kịp thời sáng tạo hiệu quả phù hợp với nhiệm vụ của từng cấp Hội, từng địa phương cơ sở Hội, tạo khí thế phong trào thi đua sôi nổi ở các cấp Hội ngay từ năm đầu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam và Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ.

Hải Dương có trên 1.500 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở tham dự buổi học tập, quán triệt thông qua 13 điểm cầu, gồm Hội Nông dân tỉnh và 12 điểm cầu của Hội Nông dân cấp huyện. Trong ảnh: Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội Nông dân tỉnh

Hải Dương có trên 1.500 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở tham dự buổi học tập, quán triệt thông qua 13 điểm cầu, gồm Hội Nông dân tỉnh và 12 điểm cầu của Hội Nông dân cấp huyện. Trong ảnh: Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội Nông dân tỉnh

Tại hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quán triệt Nghị quyết số 46, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về "Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới".

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã thông tin về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 46, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thực trạng phát triển của Hội Nông dân Việt Nam; quá trình xây dựng Đề án, dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị; những nội dung cơ bản của Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị.

Theo đó, về quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 46 có 3 nhóm quan điểm. Đó là: Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và ban chấp hành Hội Nông dân các cấp.

Tăng cường trách nhiệm của Hội Nông dân trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ của nông dân; động viên, hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, hội nhập quốc tế; góp phần xây dựng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng với nông dân.

Củng cố vai trò nòng cốt chính trị của hội trong phong trào nông dân; nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội, phát triển tổ chức, phát triển hội viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

NDO-HD

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cua-hoi-nong-dan-viet-nam-trong-giai-doan-moi-376179.html