Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát liên quan đến lĩnh vực kinh tế, ngân sách

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Ban Kinh tế- Ngân sách (KT-NS) HĐND tỉnh đã bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình giám sát. Thông qua hoạt động giám sát, Ban KT-NS đã có những kiến nghị, đề xuất xác đáng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị.

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Kết luận số 251 của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh tại huyện Vĩnh Lộc.

Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Kết luận số 251 của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh tại huyện Vĩnh Lộc.

Vừa qua, đoàn giám sát của Ban KT-NS HĐND tỉnh do đồng chí Lê Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện Kết luận số 251/KL-HĐND ngày 2/6/2022 của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh tại các huyện: Yên Định, Vĩnh Lộc, Bá Thước... Qua giám sát, đoàn đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: Việc xác minh các thông tin về quyền sử dụng đất gặp khó khăn do thiếu thông tin chính xác, tài liệu không đầy đủ hoặc các vấn đề pháp lý phức tạp; quyết định giao đất, biên bản giao đất của đơn vị giao trái thẩm quyền nên cũng không có cơ sở xác định nguồn gốc đất để xem xét công nhận quyền sử dụng đất... Trên cơ sở đó, đoàn giám sát đã đề nghị các đơn vị, địa phương khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời có kiến nghị đối với các cơ quan chức năng, địa phương có biện pháp khắc phục kịp thời.

Bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, sự phân công điều hành của Thường trực HĐND tỉnh và chương trình công tác năm, Ban KT-NS đều xây dựng kế hoạch giám sát và cụ thể hóa thành chương trình công tác từng tháng, từng quý để tổ chức thực hiện. Trong hoạt động giám sát thường xuyên, Ban KT-NS tập trung giám sát hoạt động của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý ngân sách ở địa phương; việc thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc các lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính... Thông qua công tác giám sát, Ban KT-NS đã kịp thời phát hiện những hạn chế, sai phạm cần khắc phục trong việc thi hành pháp luật cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế và ngân sách; đồng thời đề xuất, kiến nghị với HĐND và UBND tỉnh về các chủ trương, giải pháp về lĩnh vực kinh tế và ngân sách.

Trong công tác giám sát chuyên đề, Ban KT-NS chủ động lựa chọn những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, nổi cộm, bức xúc, được dư luận và cử tri quan tâm như quản lý đất công, tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án đầu tư trực tiếp giai đoạn 2016-2020, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách giai đoạn 2017-2021... Trước khi tiến hành các cuộc giám sát, Ban KT-NS tiến hành thu thập, nghiên cứu tài liệu, xây dựng đề cương giám sát cụ thể, đồng thời tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế. Các đợt giám sát không dàn trải, mà tập trung tới những nơi đang có vấn đề cần xem xét hoặc nơi tiêu biểu; tiếp cận theo nhiều khía cạnh khác nhau để thu thập thông tin minh chứng, nhận diện, phân tích rõ cái được, cái chưa được. Kết thúc mỗi cuộc giám sát, đoàn giám sát đều có kết luận về các nội dung địa phương, đơn vị được giám sát cần thực hiện để khắc phục các hạn chế; kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền.

Ban KT-NS cũng thực hiện nhiệm vụ thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Nội dung thẩm tra tập trung vào những vấn đề như: Tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển; thu - chi ngân sách; quyết toán ngân sách; các cơ chế chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Thông qua hoạt động thẩm tra, nhiều kiến nghị của ban được UBND tỉnh, các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, bổ sung ngay trong quá trình chuẩn bị hồ sơ trước kỳ họp nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn như: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 do tỉnh quản lý (đợt 5); Quyết định chủ trương đầu tư Dự án phát triển thủy sản bền vững tỉnh Thanh Hóa; Chủ trương đầu tư Dự án đường từ nút giao Đông Xuân đi TP Thanh Hóa, đoạn Đông Thanh - Đông Tiến...

Có thể khẳng định, với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động mà trọng tâm là tăng cường công tác giám sát và giám sát chuyên đề của Ban KT-NS HĐND tỉnh đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, đã phát hiện và kiến nghị các cấp, các ngành có liên quan giải quyết các vấn đề còn bất cập, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực được giám sát, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân địa phương.

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-giam-sat-nbsp-lien-quan-den-linh-vuc-kinh-te-ngan-sach-227747.htm