Nâng cao chất lượng hoạt động phổ biến phim tại các địa phương

Tại TP Tuy Hòa, Cục Điện ảnh vừa phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức bồi dưỡng phổ biến phim năm 2024 cho cán bộ, nhân viên các đơn vị điện ảnh 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Cán bộ, nhân viên các đơn vị điện ảnh thực hành kỹ thuật làm phóng sự. Ảnh: CTV

Cán bộ, nhân viên các đơn vị điện ảnh thực hành kỹ thuật làm phóng sự. Ảnh: CTV

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết:

- Lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên các đơn vị điện ảnh là hoạt động truyền thống của Cục Điện ảnh. Đây là nhu cầu thực tế, khi nhân lực các đội chiếu phim ở các địa phương luôn biến động, cần được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới... để đào tạo nguồn nhân lực có năng lực cho các đơn vị điện ảnh địa phương.

* Xin bà cho biết đôi nét về công tác bồi dưỡng, phổ biến phim trong thời gian qua?

- Trước đây, định kỳ hằng năm, Cục Điện ảnh tổ chức lớp bồi dưỡng phổ biến phim, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên các đơn vị điện ảnh thuộc các tỉnh, thành ở 2 khu vực phía Bắc và phía Nam để thực hiện tốt hơn nữa hoạt động chiếu phim phục vụ người dân ở miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Sau này dựa trên tình hình thực tế, Cục Điện ảnh mở lớp bồi dưỡng 2 năm/lần. Nhất là từ khi anh Vi Kiến Thành làm Cục trưởng Cục Điện ảnh, công tác phát hành, phổ biến phim ở các tỉnh, thành, đặc biệt là đối với đội chiếu phim lưu động được quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà

Bà Nguyễn Thị Thu Hà

Để cập nhật, thích ứng với sự phát triển của xã hội, phát triển của công nghệ, từ năm 2022, trong chương trình không còn đơn thuần là phát hành phổ biến mà tập huấn về kỹ năng nghề cho các thành viên trong đội chiếu bóng lưu động, nâng lên một bước chuyên môn, đó là hướng dẫn anh chị em cách làm phóng sự, kỹ thuật quay, dựng, ghi âm, ghi hình tại chỗ. Khi chương trình được bổ sung như vậy, anh chị em ở các đơn vị điện ảnh 63 tỉnh, thành hưởng ứng rất tốt. Về phía Cục Điện ảnh, đơn vị cũng đã chú trọng mời các nhà báo, đạo diễn, quay phim, biên kịch của Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương xuống tận nơi hướng dẫn, hỗ trợ đồng hành cùng các anh chị em trong lớp học.

2022 là năm đầu tiên Cục Điện ảnh mở lớp và thật bất ngờ, đến năm 2023 một số địa phương đã có phim tài liệu gửi tham dự Liên hoan phim Việt Nam. Tất nhiên nếu so với đơn vị chuyên nghiệp truyền thống như Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thì những sản phẩm này còn rất non trẻ, nhưng điều này cho thấy sự hào hứng, nhiệt huyết, sáng tạo với nghề của anh chị em. Trở lại sau 2 năm, anh chị em rất hài lòng, muốn tiếp tục được nâng cao, chuyên sâu hơn. Cục Điện ảnh đã phát động một cuộc thi về phóng sự và nhiều người hào hứng tham gia.

Ngoài việc chiếu phim, anh chị em còn làm thêm tin, phóng sự để có thể phổ biến trên truyền hình tỉnh hoặc chiếu trực tiếp trong buổi chiếu phim lưu động của mình. Đó cũng là cách nâng cao đời sống, nâng cao tay nghề, vừa phát huy được các kiến thức tại các lớp học.

* Thực tế hoạt động chiếu phim lưu động tại các đơn vị điện ảnh địa phương hiện nay như thế nào, thưa bà?

- Hoạt động chiếu phim lưu động hiện không còn là buổi chiếu phim đơn thuần, mà buổi chiếu phim này được thiết kế giống như buổi sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng thông qua các hình thức văn hóa văn nghệ, trong đó có chiếu phim.

Bây giờ phương tiện để người dân xem phim khá nhiều. Nhiều người có thể xem phim dễ dàng trên điện thoại cá nhân và các phương tiện cá nhân ở gia đình, chứ không nhất thiết phải ra rạp hay đến các địa điểm chiếu phim công cộng như trước. Có người nghĩ bây giờ phương tiện kỹ thuật nhiều như thế thì việc gì phải có một đội chiếu phim lưu động, như vậy là không đúng.

Trên thực tế khảo sát có những câu chuyện rất cảm động. Có những điểm chiếu chỉ phục vụ rất ít khán giả, nhưng anh em trong đội chiếu phim lưu động vẫn đến tận nơi. Bởi ở đó không có điện, không có mạng internet, không có sóng truyền hình và vẫn còn có khán giả yêu quý, mong muốn xem phim Việt Nam thì đội chiếu phim lưu động vẫn đến đó. Hoặc có buổi chiếu phim đã kết thúc rồi, anh chị em chuẩn bị thu dọn đồ đạc để về nhưng lúc này người dân ở các buôn làng xa mới đến nơi thì anh em sẵn sàng ở lại xuyên đêm để phục vụ.

Thật ra câu chuyện đó dù nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn, nhất là khi đi sâu vào câu chuyện của các anh chị em chiếu phim lưu động mới thấy rất cảm động. Hiện nay, đời sống của những người hoạt động công tác chiếu phim lưu động vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự đồng cảm, chia sẻ.

Năm nay, Cục Điện ảnh có một kịch bản đã được tuyển chọn, dự kiến sẽ đặt hàng bằng ngân sách nhà nước về đội chiếu phim lưu động ở bưng biền miền Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Họ đã vượt qua bom đạn để đưa phim đến phục vụ khán giả ngay trong tuyến lửa. Hy vọng những bộ phim ấy sẽ giữ lại lửa nghề cho mọi người.

* Hiện nay, cơ chế, chính sách của Nhà nước để tạo điều kiện cho các đội chiếu phim lưu động hoạt động như thế nào, thưa bà?

- Luật Điện ảnh năm 2022 được đánh dấu là động lực để phát triển ngành Điện ảnh, phát triển công nghiệp điện ảnh, khẳng định ngành Điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật mà còn là ngành kinh tế.

Trong Điều 3 của luật này có ghi, phổ biến phim là việc đưa phim đến người xem thông qua các hình thức trong rạp chiếu phim, tại địa điểm chiếu phim công cộng, tại trụ sở cơ quan ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam, trên hệ thống truyền hình, không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn khác. Đối với các tỉnh, thành, ngoài các rạp chiếu thì còn có các địa điểm chiếu phim công cộng, đấy chính là nơi để đội chiếu phim lưu động có thể phục vụ hết mình.

Chính sách của Nhà nước về điện ảnh, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh cũng quy định rất rõ trong điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật Điện ảnh. Cụ thể, Nhà nước sẽ đầu tư trong các hoạt động điện ảnh như sáng tác kịch bản phim, phát hành phổ biến phim, cung cấp kinh phí, tổ chức phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phổ biến phim phục vụ vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và nông thôn, phục vụ trẻ em, LLVT và nhiệm vụ chính trị xã hội đối ngoại, xã hội, giáo dục khác.

Điều này thể hiện sự quan tâm, cũng như chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với công tác phổ biến phim. Vấn đề đây là chủ trương, chính sách, nhưng để Luật Điện ảnh và các chủ trương chính sách đó đi vào cuộc sống thì những người lãnh đạo phải có sự quan tâm về mặt cơ chế, vận dụng những chính sách này.

Và với lớp bồi dưỡng này, đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cục cũng như sự phối hợp, quan tâm của lãnh đạo địa phương về việc tạo điều kiện, giao thêm chức năng, nhiệm vụ để anh chị em hoạt động chiếu phim lưu động có thể phát huy tay nghề. Bởi dù là tập huấn ở đây nhưng về địa phương mà không được lãnh đạo quan tâm giao nhiệm vụ thì anh chị em rất khó thực hiện.

* Xin cảm ơn bà!

NGỌC DUNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/319819/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-pho-bien-phim-tai-cac-dia-phuong.html