Nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn
Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là bộ phận quan trọng trong quy trình cho vay ủy thác nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH thông qua hệ thống các tổ chức đoàn thể. Xác định rõ điều này, Ngân hàng CSXH đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV trên địa bàn.
Phát huy hiệu quả
Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ là một trong những đơn vị luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ TK&VV ở cơ sở. Để bảo đảm việc chuyển tải nhanh, thuận lợi nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đến đúng đối tượng trong diện thụ hưởng, đồng thời quản lý bảo toàn và phát triển tốt nguồn vốn của Nhà nước, Ngân hàng phân công cán bộ phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, thường xuyên hướng dẫn, rà soát, đánh giá hoạt động các tổ kịp thời. Hiện Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ có 173 tổ TK&VV ở cơ sở với 5.513 thành viên, dư nợ đến nay đạt gần 300 tỷ đồng.
Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế do Tổ mình quản lý, chị Lê Thị Đức - Tổ trưởng Tổ TK&VV thuộc Chi hội phụ nữ khu Phú Hưng, xã Hà Thạch cho biết: Định kỳ hàng tháng, chúng tôi tham gia họp giao ban tại Điểm giao dịch xã. Tại đây, cán bộ ngân hàng phụ trách địa bàn, đại diện hội đoàn thể và các tổ trưởng TK&VV cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi cách làm hay trong việc tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành viên của Tổ phát huy hiệu quả vốn vay. Được biết, Tổ TK&VV Phú Hưng hiện có 38 thành viên, dư nợ đạt gần 1,6 tỷ đồng. Vốn vay được các thành viên sử dụng đúng mục đích, không có nợ quá hạn.
Không chỉ tập trung thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hàng năm được giao, Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê còn luôn tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu, đảm bảo nguồn vốn TDCS được đối tượng thụ hưởng sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Theo đó, Ngân hàng tích cực phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên củng cố, kiện toàn, đánh giá chất lượng hoạt động của tổ TK&VV. Toàn huyện hiện có 371 tổ, trong đó Hội Nông dân có 119 tổ, Hội Phụ nữ có 96 tổ, Hội CCB có 84 tổ, Đoàn thanh niên có 72 tổ. Hội Nông dân huyện là tổ chức hội được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện công tác ủy thác vốn vay hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.
Chị Đỗ Thị Thay - hội viên Chi hội khu Thắng Lợi, xã Tuy Lộc cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nên được Tổ TK&VV rất quan tâm. Ngoài việc hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn ưu đãi với số tiền 80 triệu đồng, tổ và cán bộ tín dụng còn tư vấn gia đình lựa chọn và triển khai dự án kinh tế cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh. Và mô hình đầu tư chuồng trại chăn nuôi trâu bò là sự lựa chọn của gia đình tôi cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đến nay gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước. Điều mừng nhất là gia đình tôi không còn nằm trong danh sách hộ nghèo.
Có thể thấy, chất lượng hoạt động của tổ TK&VV quyết định hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Các Ngân hàng CSXH trong hệ thống đã chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể tăng cường củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, chất lượng hoạt động của 3.657 tổ TK&VV trên địa bàn. Theo đó, các tổ chức hội nhận ủy thác, ban quản lý tổ TK&VV thực hiện duy trì hoạt động hệ thống tổ ổn định, an toàn, hiệu quả tại 225 Điểm giao dịch xã.
Tiếp tục khẳng định vai trò
Theo thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, hết năm 2024, tổng dư nợ cho vay ủy thác thông qua hệ thống tổ TK&VV trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 6.580 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,69%/tổng dư nợ của toàn Chi nhánh, tăng trưởng 9,76% so với năm 2023. Trong đó, tỷ lệ giao dịch tại Điểm giao dịch xã giải ngân đạt 97,99%; thu nợ gốc đạt 97,08%; tỷ lệ thu lãi đạt 99,95%.
Hoạt động của tổ TK&VV ổn định, nền nếp, ngày càng nâng cao về chất lượng. Hiện tỷ lệ tổ TK&VV trên phạm vi toàn tỉnh xếp loại khá, tốt đạt 97,5%, không có tổ xếp loại yếu kém. Chất lượng TDCS toàn tỉnh xếp loại tốt. Các tổ TK&VV đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc chuyển tải dòng vốn TDCS đến với người dân.
Toàn huyện Tân Sơn hiện có 338 tổ TK&VV hoạt động hiệu quả tại 172 khu dân cư, trong đó có 316 tổ xếp loại tốt chiếm 93,5%, không có tổ xếp loại yếu. Tổng dư nợ cho vay thông qua tổ TK&VV đến nay hơn 648 tỷ đồng với 10.960 hộ được vay vốn, chiếm tỷ lệ 99,84% tổng dư nợ tại ngân hàng.
Đồng chí Tăng Tiến Sỹ - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn chia sẻ: Đối với một huyện miền núi như Tân Sơn, vai trò của các tổ chức hội, của tổ TK&VV rất quan trọng, thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của ngân hàng trong việc chuyển tải dòng vốn tín dụng đến với các đối tượng trong diện thụ hưởng. Cho nên công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ này luôn được huyện quan tâm. Qua quá trình đào tạo, tập huấn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, hầu hết các tổ trưởng tổ TK&VV đã thông thạo quy trình, nghiệp vụ ngân hàng theo đúng yêu cầu.
Dựa trên dư nợ cho vay và chất lượng tín dụng hàng tháng, hệ thống ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh cùng ban giảm nghèo các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể, tổ TK&VV tổ chức đánh giá, bình xét xếp loại tổ TK&VV. Đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ, khen thưởng động viên các đơn vị nhận ủy thác. Nhờ đó đã phát huy tinh thần trách nhiệm của các tổ chức hội đối với hoạt động TDCS.
Cùng với đó, Ngân hàng tích cực phối hợp chính quyền, đoàn thể tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, đào tạo quy trình, nghiệp vụ cho hàng nghìn lượt cán bộ hội, đoàn thể, ban giảm nghèo cấp xã, trưởng khu và ban quản lý tổ TK&VV nhận ủy thác từ ngân hàng, chuyển tải dòng vốn TDCS đến đối tượng thụ hưởng. Ngân hàng cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát quá trình hoạt động của tổ TK&VV tại địa phương; tích cực hướng dẫn tổ TK&VV và ban quản lý tổ TK&VV quy trình, thủ tục cho vay, gửi tiền tiết kiệm; cách ghi chép, theo dõi, kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn. Bên cạnh đó, tăng cường họp giao ban tại Điểm giao dịch xã để cùng triển khai nhanh các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Trong quá trình quản lý và sử dụng vốn vay, các tổ được ngân hàng hỗ trợ giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, góp phần nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi tại địa phương.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số, thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH về việc triển khai ứng dụng Quản lý TDCS, các đơn vị trong hệ thống đã tập huấn cho các tổ TK&VV cài đặt và sử dụng ứng dụng Quản lý TDCS, trong đó hướng dẫn thực hiện nộp lãi, tiền gửi của tổ qua App Quản lý TDCS. Kể từ thời điểm triển khai ứng dụng tháng 10/2024 đến nay, đã có 3.620 tổ TK&VV (đạt tỷ lệ 99%) sử dụng thành thạo và thực hiện nộp lãi, tiền gửi của tổ qua App. Ứng dụng này vừa giúp rút ngắn thời gian giao dịch vừa tạo điều kiện cho các tổ TK&VV tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại, từng bước làm quen với công nghệ số, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Đồng chí Trương Việt Phương- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khẳng định: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS, Ngân hàng CSXH tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động tạo lập nguồn vốn lớn, đảm bảo chuyển tải kịp thời vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng hoạt động toàn bộ hệ thống điểm giao dịch và mạng lưới tổ TK&VV tại các khu dân cư, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-to-tiet-kiem-va-vay-von-226317.htm