Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID–19, song quý I-2021, giá trị hàng hóa xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt hơn 942,868 triệu USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Kết quả đạt được rất khả quan, nhiều triển vọng, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Dây chuyền sản xuất ván ép xuất khẩu của Công ty CP Xuân Sơn (Thạch Thành).

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 150 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chính ngạch, với 55 mặt hàng sang 58 thị trường. Năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu được ký kết, cho phép các DN Việt Nam nói chung và DN trên địa bàn tỉnh nói riêng tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất, góp phần mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu. Song, thực tế cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tập trung chủ yếu sang một số thị trường thuộc các nước thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu, thị trường Nga, Trung Quốc... Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ở nhóm hàng may mặc, khí đốt. Nhóm hàng nông sản vốn là lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhưng trong thị phần xuất khẩu còn ít, giá trị kinh tế thấp và chỉ tập trung vào thị trường truyền thống. Vì vậy, khi thị trường các nước có biến động mạnh đã ảnh hưởng, gây thiệt hại không nhỏ cho các DN của tỉnh. Sự liên kết giữa các DN còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu...

Công ty CP Xuân Sơn (Thạch Thành) hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, trong đó có sản xuất gỗ dăm, ván ép xuất khẩu, giải quyết việc làm cho 20 lao động, với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Anh Trịnh Thái Sơn, giám đốc công ty, chia sẻ: Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh của công ty, khiến doanh thu sụt giảm, đơn giá nguyên liệu, đơn giá thành phẩm bán ra cũng giảm mạnh. Trước thực trạng đó, để duy trì sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, công ty chủ động tìm thêm khách hàng để mở rộng đối tác nhập hàng, tìm thêm đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào nhằm tăng sản lượng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Ngoài mặt hàng dăm gỗ truyền thống, công ty đã đổi mới, đầu tư công nghệ để sản xuất mặt hàng ván ép xuất khẩu. Nhờ đó, ngay khi hoạt động giao thương quốc tế được nối lại sau dịch bệnh COVID-19, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu ván ép với đối tác Nhật Bản và Mỹ, dự kiến sẽ xuất khẩu những đơn hàng mới trong quý II-2021.

Bà Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (Nga Sơn), cho biết: Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng đối mặt nhiều thách thức do những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã ở hầu hết các thị trường. Ngay cả tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản - những thị trường truyền thống, chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh cũng đang liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác... tạo ra những rào cản không nhỏ đối với các mặt hàng xuất khẩu. Do đó, để vững tin xuất khẩu hàng hóa, đòi hỏi các DN cần có một quy trình sản xuất chất lượng, mẫu mã sáng tạo, đổi mới và tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định trong các hiệp định thương mại đã ký kết.

Những năm qua, số lượng thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ta liên tục mở rộng, ngày càng nhiều mặt hàng. Thực tế cho thấy, để các DN xuất khẩu trong tỉnh có thể chinh phục và đa dạng các thị trường, trong đó, có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, một số nước châu Âu, thì ngoài việc năng động, nỗ lực kết nối, tìm kiếm thị trường thì bản thân các DN cũng không ngừng đổi mới, tạo sự khác biệt rõ nét cho sản phẩm về cả chất lượng và hình thức.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: Tỉnh đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước; hỗ trợ các DN mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cũng như phát triển giao thương. Đồng thời, vận động, mời các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm thương mại tại các tỉnh, thành phố nhằm giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành công thương tỉnh đã thực hiện nghiêm khuyến nghị của Bộ Công Thương về tăng cường giám sát chất lượng hàng hóa, kiểm nghiệm, kiểm dịch, tránh hiện tượng tồn ứ lượng lớn hàng nông sản do không đủ điều kiện thông quan và khuyến khích DN áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, từ đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nang-cao-chat-luong-nang-luc-canh-tranh-cho-hang-hoa-xuat-khau/134869.htm