Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: 'Đòn bẩy' thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Đội ngũ chủ chốt 'già hóa', hạn chế về năng lực quản lý và tiếp cận công nghệ là những thách thức mà các hợp tác xã (HTX) trong tỉnh Gia Lai đang phải đối mặt. Để khắc phục những hạn chế này, các HTX cần được bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn nhân lực yếu
Toàn tỉnh hiện có 418 HTX. Theo Luật HTX năm 2012, cán bộ quản lý HTX phải là thành viên HTX và đạt trình độ tối thiểu từ trung cấp chuyên môn trở lên. Tuy nhiên, tại Gia Lai hiện nay, chỉ khoảng 30% cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học, số còn lại hầu như chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Hầu hết cán bộ quản lý HTX đều lớn tuổi, năng lực tiếp cận công nghệ cũng như khả năng thích ứng với tình hình còn hạn chế. Những yếu tố trên là một “lực cản” cho sự phát triển của HTX.
Ông Trần Quang Hưng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp-dịch vụ Ia Ring (huyện Chư Sê) cho biết: “Hợp tác xã được thành lập vào cuối năm 2017. Hiện HTX đang gặp khó khăn, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực. Hầu hết thành viên của HTX đều là nông dân, trình độ học vấn chỉ từ lớp 9 trở xuống. Đây là bài toán rất khó giải quyết”.
Ông Lâm Quốc Triều-Giám đốc HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch sinh thái Hàm Rồng (TP. Pleiku) nhận định: “Nhân sự là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của bất cứ HTX nào. Chúng tôi mong sẽ tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng, nhưng sinh viên mới ra trường thì thiếu kiến thức thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện HTX rất cần lực lượng lao động đã qua đào tạo”. Tương tự, ông Nguyễn Tấn Duy-Giám đốc HTX Xây dựng, thương mại Phượng Hoàng (huyện Đức Cơ) cho biết: “Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường, chúng tôi đang rất cần lao động đã qua đào tạo, nhất là những lao động được đào tạo các chuyên ngành về quản trị, liên kết theo chuỗi giá trị, thị trường, tiếp cận tín dụng, chuyển đổi số”.
Gia Lai là một trong những tỉnh được Bộ Nông nghiệp và PTNT chọn triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Để đề án thành công, công nghệ áp dụng vào vùng nguyên liệu phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, theo đó cũng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng tương ứng về trình độ, năng lực, kỹ năng… Toàn tỉnh có 12 HTX tham gia đề án, song thực tế cho thấy, các HTX đang bộc lộ nhiều hạn chế liên quan đến yếu tố con người.
Theo ông Lê Đức Thịnh-Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), những hạn chế gồm: các chủ trang trại, nông dân thiếu đào tạo về tiếp cận thị trường, kinh doanh nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp mới; đội ngũ quản lý HTX chưa được đào tạo bài bản về công tác quản trị, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng lực thị trường, tiếp cận tín dụng, chuyển đổi số; thiếu nguồn nhân lực trẻ. Những hạn chế trên đòi hỏi cần có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để tạo ra sự thay đổi.
Đưa sinh viên nông nghiệp về làm việc tại HTX
Về vấn đề nguồn nhân lực cho các HTX, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: “Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1551/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể giai đoạn 2023-2025. Theo đó, tỉnh hỗ trợ hơn 3,8 tỷ đồng cho 26 HTX, trong đó, mỗi HTX được tuyển dụng 1 lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học hoặc sau đại học phù hợp với nhu cầu. Mức hỗ trợ tối đa cho 1 HTX bằng số lượng lao động được hỗ trợ nhân với 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, lương bình quân mỗi lao động sẽ vào khoảng 5 triệu đồng/tháng”.
Tại hội nghị kết nối cung-cầu nhân lực qua đào tạo cho vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên diễn ra ngày 22-8 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: “Hiện tại, một số vùng tại Gia Lai có các tổ khuyến nông cộng đồng. Đây là môi trường tốt để đưa sinh viên chuyên ngành nông nghiệp về thực tập. Các HTX có thể đặt hàng với các cơ sở đào tạo sinh viên học các ngành kinh tế nông nghiệp, quản lý, quản trị HTX, kinh doanh.
Với bản thân các sinh viên, đây là môi trường vừa học vừa hành; đối với HTX thì có nguồn nhân lực qua đào tạo. Ví dụ: Về kết nối thị trường, các sinh viên học marketing sẽ đáp ứng nhu cầu quảng bá sản phẩm của HTX; nếu họ về với các tổ khuyến nông cộng đồng thì có thể thực hành kết nối giữa HTX với các doanh nghiệp. Về chuyển đổi số, có những sinh viên học công nghệ thông tin để hỗ trợ HTX về công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử, thậm chí nếu nhanh nhạy, có thể thay đổi phương thức kinh doanh của HTX”.
Ý tưởng đưa sinh viên về thực tập và làm việc tại các HTX đã nhận được sự ủng hộ từ một số trường, cơ sở đào tạo sinh viên lĩnh vực nông nghiệp. Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan-Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam-chia sẻ: “Chúng tôi đã ký kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về nông nghiệp với rất nhiều doanh nghiệp, HTX trên cả nước. Riêng đối với Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, nếu các HTX, doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ thì liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cử sinh viên về các HTX, doanh nghiệp để thực tập, qua đó hỗ trợ giải quyết các vấn đề HTX hoặc doanh nghiệp đang vướng. Sau đó, HTX và doanh nghiệp có thể đánh giá năng lực và tiếp tục hợp đồng lao động với các sinh viên đó khi ra trường. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tài trợ học bổng cho học sinh THPT học giỏi, đam mê nghề nghiệp, cam kết trở về địa phương làm việc”.
Còn Tiến sĩ Trần Cao Bảo-Phó Giám đốc phụ trách Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai thì đề xuất: “Các HTX, doanh nghiệp nên nói rõ nhu cầu về nguồn nhân lực để nhà trường nắm bắt. Khi nắm được nhu cầu nguồn nhân lực, nhà trường sẽ điều chỉnh số lượng tuyển sinh đào tạo các ngành phù hợp để đáp ứng nhu cầu của các HTX, doanh nghiệp. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của các HTX mà sinh viên của trường cũng có thêm cơ hội thực tập trực tiếp cũng như việc làm ngay sau khi ra trường”.