Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ
Nếu khoa học và công nghệ (KH&CN) là đòn bẩy của sự phát triển thì nguồn nhân lực KH&CN chính là những người tác tạo nên 'đòn bẩy' đó. Những năm qua, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các tổ chức, đơn vị KH&CN, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ KH&CN, góp phần đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê của Sở KH&CN, toàn tỉnh hiện có trên 5.000 cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, triển khai các hoạt động KH&CN; trong đó, có 30 PGS, 231 tiến sĩ, trên 1.600 thạc sĩ, trên 3.200 cử nhân đại học. Số cán bộ nghiên cứu FTE (toàn thời gian) được quy đổi tương đương là 1.839 người, đạt tỷ lệ 4,9 người/vạn dân. Sự gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng của nguồn nhân lực KH&CN trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Ví như, lĩnh vực nông nghiệp: Đã chọn tạo, tuyển chọn, phục tráng, nhân giống cây trồng chủ lực, cây trồng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như, lúa, ngô, mía, cam, đậu tương, bưởi; xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nghiên cứu và công nhận lưu hành cho giống lúa thuần năng suất chất lượng cao phục vụ cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.
Đặc biệt, trong lĩnh vực y dược, đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cao trong việc chẩn đoán, phát hiện, phòng và điều trị bệnh như, kỹ thuật phẫu thuật nội soi ngoài phúc mạc đặt mảnh ghép nhân tạo điều trị thoát vị bẹn và kỹ thuật phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; phẫu thuật nội soi kết hợp với phẫu thuật mở điều trị dị tật không hậu môn và kỹ thuật thay máu cho trẻ vàng da sơ sinh bằng phương pháp tự động tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa; kỹ thuật ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa; thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận từ người cho chết não; nghiên cứu ứng dụng hệ thống chụp mạch kỹ thuật số trong chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa (Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 ứng dụng kỹ thuật, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế). Lĩnh vực công nghiệp, công nghệ thông tin: tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm (nghệ vàng làm nguyên liệu sản xuất curcumin; ống nhựa từ rác thải PVC, máy sấy áp suất thấp, công nghệ sản xuất bóng đá...), nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới (tảo xoắn Spirulina và thực phẩm chức năng từ tảo xoắn; các sản phẩm từ nấm linh chi...). Nghiên cứu xây dựng các phần mềm để quản lý cơ sở dữ liệu, hỗ trợ trong công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh...
Cùng với những đóng góp trong các lĩnh vực trọng yếu, lực lượng cán bộ KH&CN đã tích cực tham gia vào các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại các trường đại học, nghiên cứu KH&CN tại các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp KH&CN... Trong quá trình công tác, đội ngũ cán bộ KH&CN trên cơ sở năng lực, trình độ chuyên môn, đã được các cơ quan, đơn vị bố trí, sử dụng chủ trì các nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ cá nhân hoạt động KH&CN tham gia hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; tham gia các chương trình, dự án đầu tư, hợp tác KH&CN; phản biện các đề án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh..., góp phần nâng cao chất lượng các chương trình, đề án, chính sách do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu chuyên gia KH&CN để tham gia các hội đồng KH&CN chuyên ngành; tham gia giải quyết các vấn đề KH&CN của địa phương; đồng thời tập hợp và thu hút nhiều cán bộ KH&CN trình độ cao đã hết tuổi lao động tham gia công tác nghiên cứu và đào tạo KH&CN.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh còn những hạn chế, như: nhân lực KH&CN tuy có gia tăng về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Còn thiếu cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực công nghệ trình độ cao. Nhân lực KH&CN phân bố không đồng đều, cơ cấu, trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động; phần lớn tập trung ở khu vực Nhà nước, thành thị, ở các khu vực tư nhân, doanh nghiệp và nông thôn còn thấp...
Có thể khẳng định, chất lượng nguồn nhân lực KH&CN là tổng hòa các yếu tố về sức khỏe, trình độ kỹ thuật chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ văn hóa, khả năng sáng tạo của lực lượng lao động; họ là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng hệ thống cơ sở khoa học - thực tiễn, trực tiếp đảm nhiệm việc nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới vào sản xuất; cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ trong phát triển bền vững.
Nhằm tạo bước đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, thời gian tới, các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về KH&CN. Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực KH&CN, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài và mở rộng các chương trình đào tạo ở nước ngoài để cán bộ KH&CN được cọ xát môi trường học thuật quốc tế. Cùng với thực hiện tốt cơ chế, chính sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nhân lực KH&CN.