Nâng cao chất lượng phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng
Trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách mang tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hiện nay, nhu cầu TGPL có xu hướng gia tăng, nhất là TGPL trong tố tụng, do vậy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã có sự phối hợp chặt chẽ, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác này.
Về trách nhiệm phối hợp thực hiện TGPL trong tố tụng, khoản 2, Điều 41 Luật TGPL 2017 đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phối hợp, tạo điều kiện cho người được TGPL được hưởng quyền TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng.
Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là việc giải thích về quyền được TGPL cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp; yêu cầu ra văn bản thông báo cho Trung tâm khi đối tượng có yêu cầu TGPL, ra văn bản thông tin cho Trung tâm khi đối tượng chưa có yêu cầu trợ giúp. Nhờ đó, các ngành đã rất tích cực, chủ động phối hợp triển khai công tác TGPL trong tố tụng.
Còn tại các địa phương, hoạt động TGPL luôn được sự quan tâm chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan là thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng. Hội đồng phối hợp liên ngành luôn quan tâm chỉ đạo Trung tâm TGPL khẩn trương cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng đảm bảo theo chỉ tiêu vụ việc do Bộ Tư pháp giao; ban hành kế hoạch tổ chức đánh giá chất lượng đối với các vụ việc tham gia tố tụng đã hoàn thành để đánh giá kết quả, chất lượng của người thực hiện TGPL. Qua đó, chỉ đạo khắc phục kịp thời đối với những vụ việc tham gia tố tụng chưa đạt yêu cầu.
Các cơ quan thành viên đã thực hiện nghiêm túc việc giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng. Khi tiến hành hoạt động tố tụng, người tiến hành tố tụng còn giải thích cho các đương sự biết về quyền, nghĩa vụ của mình; quyền được TGPL và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về TGPL. Các cơ quan tố tụng còn tạo điều kiện thuận lợi cho người TGPL tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về TGPL. Thực hiện việc đăng ký, thông báo đăng ký tham gia tố tụng và tạo điều kiện cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tiếp cận nghiên cứu hồ sơ theo quy định, giao các văn bản tố tụng cho người thực hiện TGPL được cử tham gia tố tụng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trên thực tế việc phối hợp trong công tác này còn một số tồn tại. Số lượng vụ việc TGPL dưới hình thức tham gia tố tụng so với số lượng người được TGPL và vụ án do Tòa án thụ lý, giải quyết còn thấp: Năm 2019, các tổ chức thực hiện TGPL thực hiện được 21.235 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 4,6% số vụ việc do Tòa án giải quyết là 466.862 vụ việc; năm 2020, thực hiện trợ giúp được 27.493 vụ việc tham gia tố tụng, chiếm 5,04% số vụ việc do Tòa án giải quyết là 544.604 vụ việc.
Số lượng vụ việc TGPL do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển gửi cho Trung tâm tại nhiều địa phương còn thấp so với số vụ việc do các cơ quan thụ lý, tiếp nhận. Việc hướng dẫn quyền được TGPL cho đương sự còn hạn chế, phần lớn mới chú trọng đối với các vụ án hình sự. Lượng cán bộ, công chức tại các Tòa án không chuyên sâu về lĩnh vực TGPL, do đó trong quá trình triển khai thực hiện công tác này tại các Tòa án chưa thật sự được quan tâm, chú trọng…
Để khắc phục những vấn đề nêu trên đồng thời nâng cao hiệu quả phối hợp trong TGPL về tố tụng, các Bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương cần tiếp tục quán triệt, theo dõi, kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng theo trách nhiệm của từng đơn vị, nhằm đảm bảo các đối tượng thuộc diện TGPL được kịp thời cung cấp thông tin, dịch vụ TGPL với chất lượng tốt.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm TGPL kịp thời thông báo cho cơ quan có tiến hành tố tụng và cơ sở giam giữ về các danh sách, số điện thoại trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL khi có thay đổi, bổ sung; cung cấp tài liệu pháp luật, quy định của pháp luật về TGPL trong trường hợp có sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tăng cường kiểm tra kết quả thực hiện công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng; tập huấn dành cho thành viên, tổ giúp việc hội đồng, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ trại tạm giam, nhà tạm giữ, trợ giúp viên pháp lý và luật sư thực hiện TGPL.