Nâng cao chất lượng phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'

Với sự quan tâm, chỉ đạo tích cực, hiệu quả của huyện Gio Linh, phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' phát triển khá sâu rộng, toàn diện và đạt nhiều kết quả nổi bật. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế và phong tục tập quán ở mỗi địa phương; nhiều lễ hội truyền thống, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống xã hội, qua đó đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

 Hệ thống giếng cổ ở Gio An đang được gìn giữ, bảo tồn, thu hút khách tham quan. Ảnh: HN

Hệ thống giếng cổ ở Gio An đang được gìn giữ, bảo tồn, thu hút khách tham quan. Ảnh: HN

Huyện Gio Linh có nền văn hóa khá phong phú, đa dạng, có nhiều lễ hội truyền thống lâu đời gắn với đời sống, tâm linh của người dân theo phong tục tập quán của từng vùng, miền. Nhận thức tầm quan trọng của vai trò văn hóa trong đời sống xã hội, cấp các ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm đến việc chỉ đạo phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện Gio Linh đã tổ chức xây dựng, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về nội dung các văn bản của Đảng, Nhà nước và quy định của địa phương, nội quy, quy chế ở cơ quan, quy ước làng, bản, khu phố về thực hiện phong trào; xây dựng kế hoạch, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thông qua việc lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương như: Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...

Việc thực hiện đề án sáp nhập làng, thôn, khu phố, sáp nhập xã trên địa bàn huyện Gio Linh đã có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số địa phương và việc điều chỉnh, bổ sung quy ước, hương ước của các làng, thôn, khu phố. Tuy nhiên, huyện cũng có cơ sở để khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, bởi trước khi thực hiện đề án sáp nhập làng, thôn, khu phố, sáp nhập xã, phong trào này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước khi thực hiện đề án này, toàn huyện có 133 làng thôn, khu phố,125 cơ quan, đơn vị, phân bố trên địa bàn 21 xã, thị trấn. Về kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tính đến cuối năm 2018, toàn huyện có 125/133 thôn, làng, khu phố được công nhận danh hiệu đơn vị văn hóa; duy trì 123/125 cơ quan, trường học đạt đơn vị văn hóa. Toàn huyện có 18.197/20.477 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. 9/19 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, trong đó có 5 xã: Gio An, Gio Hòa, Gio Phong, Gio Quang, Gio Sơn được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. 2 thị trấn đăng ký xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Sau khi thực hiện đề án sáp nhập làng, thôn, khu phố, sáp nhập xã trên địa bàn huyện Gio Linh, toàn huyện có 97 làng, thôn khu phố, 83 cơ quan, đơn vị văn hóa. Với sự quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Gio Linh, sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là phong trào xây dựng làng, bản, khu phố văn hóa thu hút được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng đông đảo của các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức tự quản cộng đồng, huy động nguồn lực to lớn của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh ở địa phương.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có 96/97 làng, bản, khu phố được công nhận khu dân cư văn hóa. 9/19 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, trong đó có 7 xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới: Gio Hòa, Gio An, Gio Phong, Gio Sơn, Gio Quang, Gio Mỹ, Gio Mai. Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cán bộ công chức,viên chức trong các cơ quan đã đóng góp sức lực, trí tuệ của mình giữ vững và duy trì danh hiệu đơn vị văn hóa. Năm 2019, có 79/83 cơ quan, đơn vị giữ vững và duy trì danh hiệu đơn vị văn hóa. Hầu hết các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần tích cực vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội có nguy cơ nảy sinh và xâm nhập vào đời sống xã hội.

Qua thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, hầu hết nhân dân đều ý thức tự giác thực hiện tốt các tiêu chí, sống gương mẫu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống hòa thuận, đầm ấm và hạnh phúc, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực và chủ động tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, có kế hoạch phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Toàn huyện có 18.282/20.544 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 89%. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa thực sự mang lại kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của huyện Gio Linh.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=146423