Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân: Chuyển biến tích cực từ kết quả SIPAS và PAR INDEX năm 2024
Ngày 6/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025. Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2024 của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025
Đây là hai công cụ quan trọng đánh giá kết quả, tác động từ cải cách hành chính (CCHC) một cách toàn diện, khách quan, đa chiều; giúp các địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những mặt tích cực và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để có biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả CCHC, nâng chất lượng phục vụ nhân dân.
Chuyển biến tích cực về mức độ hài lòng của người dân
Theo báo cáo, kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 đạt trung bình là 83,94%, tăng 1,28% so với năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực cải thiện chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đang từng bước được người dân và tổ chức ghi nhận. Có 5 tỉnh, thành phố có kết quả SIPAS 2024 cao nhất là Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu; 5 tỉnh thấp nhất là Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Nam, An Giang và Quảng Ngãi.


Mức độ hài lòng (MĐHL) của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách nói chung, năm 2024 đạt 83,84%, tăng 1,35% so với năm 2023 (kết quả giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 78,16% - 90,59%). Trong đó, người dân hài lòng đối với 4 nội dung được đánh giá của việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách như sau: (i) MĐHL đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách đạt 83,40%; (ii) MĐHL đối với cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đạt 83,21%; (iii) MĐHL đối với chất lượng tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền đạt 83,81%; (iv) MĐHL đối với kết quả, tác động của chính sách đạt 84,07%.
Người dân hài lòng đối với 4 nội dung được đánh giá của việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách như sau: (i) MĐHL đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách đạt 83,40%; (ii) MĐHL đối với cơ hội tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đạt 83,21%; (iii) MĐHL đối với chất lượng tổ chức thực hiện chính sách của chính quyền đạt 83,81%; (iv) MĐHL đối với kết quả, tác động của chính sách đạt 84,07%.
Bên cạnh đó, MĐHL về cung ứng dịch vụ hành chính công (DVHCC) năm 2024 đạt 84,09%, tăng 1,12% so với năm 2023 (kết quả giữa các tỉnh, thành phố nằm trong khoảng 78,18 - 92,0%). Trong đó, MĐHL đối với tiếp cận dịch vụ đạt 84,27%; MĐHL đối với thủ tục hành chính đạt 84,23%; MĐHL đối với công chức đạt 84,29%; MĐHL đối với kết quả dịch vụ đạt 84,12%; MĐHL đối với việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân đạt 83,50%.
Nhìn chung, kết quả SIPAS 2024 đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Đây là một trong những cơ sở để các cơ quan nhà nước xác định thực trạng, triển khai các biện pháp cụ thể, thúc đẩy tiến trình cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang dần thay đổi nhận thức, tư duy, hành động theo hướng quan tâm, vì lợi ích, vì sự hài lòng của người dân và đáp ứng nhu cầu, mong đợi của người dân. Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người dân.
PAR INDEX 2024: Nỗ lực CCHC có chiều sâu
Chỉ số CCHC năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm 2023, trong đó tăng cao nhất là Bình Thuận (+6,39%), tăng thấp nhất là Lai Châu (+0,19%). Tuy nhiên vẫn còn 9 địa phương có chỉ số giảm dù mức giảm không đáng kể.
Kết quả Chỉ số CCHC 2024 của các tỉnh, thành phố được phân theo 2 nhóm: Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số từ 90% trở lên, gồm 13 tỉnh, thành phố; Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 50 tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá, thành phố Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 với kết quả đạt 96,17%, cao hơn 4,30% và tăng 01 bậc xếp hạng so với năm 2023. Trong lịch sử 13 năm đánh giá PAR Index thì Hải Phòng có 12 năm liên tiếp nằm trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước, trong đó 7 năm xếp vị trí thứ 2/63.

Xếp vị trí thứ 2/63 là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với kết quả đạt 93,35%, tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2023. Một số địa phương khác cũng đã thể hiện sự tiến bộ vượt trội và đạt kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, như: Hà Nội, xếp thứ 3/63, đạt 92,75%; Quảng Ninh xếp thứ 4/63, đạt 91,49%; Thái Nguyên, xếp thứ 5/63, đạt 91,47%.
Đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 là Cao Bằng, đạt 82,95%. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn cao hơn 1,63% so với đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 (An Giang, năm 2023 chỉ đạt 81,32%). Ngoài ra, một số địa phương khác cũng cho kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 khá thấp là Bắc Kạn, đạt 84,23%, xếp thứ 60/63; Gia Lai, đạt 84,01%, xếp thứ 61/63 và Lâm Đồng, đạt 83,11%, xếp thứ 62/63.

Năm 2024, có 6/8 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2023. Trong đó, tăng cao nhất là Chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đến người dân và phát triển KT-XH tại địa phương” (+3,79%). Có 2/8 chỉ số thành phần giảm điểm, gồm: “Cải cách tài chính công” (-0,02%) và “Cải cách thể chế” (-1,60%).
Đánh giá chung, năm 2024, các địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả; kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, khẩn trương, khoa học và đạt được nhiều kết quả đột phá. Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.
Tuy nhiên, thông qua đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2024 cũng đã chỉ rõ, việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ CCHC còn cho kết quả thấp, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và sự mong đợi của người dân. Đây cũng là dịp để các địa phương nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó, ban hành và triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể, góp phần đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong năm 2025 và những năm tiếp theo.