Phụ nữ ĐBSCL và cuộc chuyển dịch Xanh: Năng lượng mới, tầm nhìn mới
Dưới cái nắng chói chang của vùng Bảy Núi vào một ngày đầu tháng 3/2025, Neáng Môm (25 tuổi) cẩn thận kiểm tra từng bịch phôi nấm trong khu sản xuất của trang trại Nương Farm. Đôi tay thoăn thoắt của cô gái Khmer đang gieo mầm cho những sản phẩm nấm dược liệu cao cấp – thứ mà cách đây 3 năm, cô chưa từng nghĩ mình có thể làm được.
"Ba má nuôi 4 anh em tôi bằng 10 công lúa và những mùa vụ đi làm mướn. Có hôm ba đi trèo thốt nốt từ 3 giờ sáng, má lột tỏi, lột vỏ trái me đến tối mịt mới về. Tôi học xong đại học, chỉ mong kiếm việc giúp gia đình bớt khổ", Môm chia sẻ.
Với tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học từ Trường Đại học An Giang, cô gái sinh năm 2000 đã tìm thấy cơ hội tại trang trại nấm Nương Farm, nơi không chỉ cho cô mức lương 8 triệu đồng/tháng, mà còn mở ra một thế giới của một mô hình nông nghiệp mới – nông nghiệp kết hợp điện mặt trời.

Công việc hằng ngày của Môm là sản xuất phôi nấm mối đen, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo – những "đứa con tinh thần" được ấp ủ trong phòng máy lạnh với nhiệt độ được kiểm soát chính xác đến từng độ C. Phía trên đầu cô, hệ thống pin mặt trời rộng 1,5 ha như tấm khiên khổng lồ, vừa tạo ra điện, vừa che bớt cái nóng gay gắt vào giữa trưa ở xứ Thất Sơn. "Trồng nấm dưới tấm pin như được ngồi điều hòa tự nhiên. Cây nấm lớn nhanh, ít bệnh hơn hẳn", Môm cười nói.
Trong số gần 40 lao động tại trang trại, Môm là người trẻ nhất. Ngoài một vài lao động nam đảm nhận các công việc nặng, còn lại công nhân ở đây là những người phụ nữ Khmer ở độ tuổi ngoài 50, 60 – những người như bà Quách Thị Hồng Liên (64 tuổi). Mỗi tháng, bà Liên cùng chồng và con gái dành 10 ngày làm việc tại trang trại, mỗi buổi 3 tiếng từ 7 đến 10 giờ sáng. Cả gia đình được trả 200.000 đồng cho một ca làm việc, khoản thu nhập đáng kể đối với họ.
Bà Liên nói: "Hai vợ chồng đều tuổi già sức yếu, thêm nhiều bệnh mạn tính, nên không làm được việc nặng như trèo thốt nốt nữa. Làm ở đây nhẹ nhàng, mát mẻ, không mất sức nên tôi rất thích. Số tiền kiếm được từ trại nấm giúp gia đình tôi trang trải chi phí sinh hoạt. Đó là niềm mơ ước với người già như chúng tôi".

Ảnh trên: Bà Quách Thị Hồng Liên (64 tuổi, xã Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) làm việc trong trang trại nấm của chị Châu Thị Nương. Công việc của bà Liên là đóng túi phôi nấm, mỗi giờ làm việc bà kiếm được 20.000 – 30.000 đồng/ Ảnh dươi: Neáng Môm (áo trắng) đang sản xuất phôi nấm ở trang trại Nương Farm (xã Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang)
Điều mà Môm hay bà Liên cảm nhận chính là kết quả của tầm nhìn táo bạo từ chị Châu Thị Nương, người phụ nữ dám đầu tư 45 tỷ đồng vào năm 2019 để xây dựng mô hình kết hợp năng lượng mặt trời và trồng nấm.
Bà Quách Thị Hồng Liên (64 tuổi, xã Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) làm việc trong trang trại nấm của chị Châu Thị Nương. Công việc của bà Liên là đóng túi phôi nấm, mỗi giờ làm việc bà kiếm được 20.000 – 30.000 đồng.
Chị Châu Thị Nương bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ một nhận thức đơn giản. Một ngày giữa tháng 3, tại trang trại trang trại Nương Farm, chị chia sẻ: "Trong thời gian đại dịch COVID-19, tôi nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch và các sản phẩm có tính dược liệu cao trong cộng đồng ngày càng nhiều. Nấm không chỉ là thực phẩm mà còn là dược liệu quý, giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật".
Xuất phát từ thực tế này, năm 2020 chị Nương quyết định từ quê nhà ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn lên phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên mua lập trang trại Nương Farm trên diện tích 3 hecta. Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, chị quyết định kết hợp việc trồng nấm với hệ thống năng lượng mặt trời để tạo ra một mô hình nông nghiệp mới và hiệu quả.

Nhà trồng nấm của chị Nương có gắn máy lạnh để kiểm soát nhiệt độ. Ban ngày máy hoạt động bằng điện mặt trời còn ban đêm sử dụng điện lưới quốc gia.
"Nhiều người bảo tôi điên khi đặt pin mặt trời lên đất nông nghiệp. Nhưng tôi tin vào sự hòa hợp giữa công nghệ và truyền thống", chị Nương nói tiếp.
Nhưng thực tế cho thấy chị không điên, vì kết quả của mô hình này cho thấy pin mặt trời không chỉ cung cấp điện mà còn tạo bóng mát, giúp giảm nhiệt trong khu vực trồng nấm, qua đó giúp năng suất tăng lên 30-40% đồng thời giảm chi phí điện năng đáng kể.
Trong một xưởng sản xuất trang bị lò hấp tiệt trùng hiện đại, chị Nương chỉ tay về phía những bao tải phụ phẩm nấm và nói: "Cái gì cũng có giá trị của nó".
Giá trị mà chị đề cập chính là những phế liệu tưởng bỏ đi từ sản xuất lại được đưa vào nuôi trùn quế, tạo ra phân hữu cơ quay ngược lại bón cho ruộng lúa. Nhờ mô hình tuần hoàn này không chỉ giúp trang trại tiết kiệm 30% chi phí, mà còn khiến sản lượng nấm tăng 40% nhờ nhiệt độ lý tưởng từ hệ thống pin mặt trời. Ví dụ nhiệt độ ngoài trời khoảng 35 độ C thì phía dưới tấm pin chỉ khoảng 28 - 29 độ.
Theo chị Nương, nếu trồng ở môi trường bình thường thì với 1.000 bịch phôi nấm mối đen sẽ cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn đến 2 tấn nấm thương phẩm là tối đa. Nhưng khi kết hợp với pin năng lượng mặt trời, sản lượng có thể tăng lên đến 2,5–3 tấn. Hiệu quả kinh tế tăng vọt.
Không chỉ nấm tăng năng suất mà mô hình này còn thu được một lợi ích to lớn khác, đó là giảm chi phí tiền điện hàng tháng. Tại trang trại ở thị xã Tịnh Biên của chị Nương, nếu không có điện mặt trời, số tiền điện phải trả mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Với điện mặt trời, con số này chỉ còn phân nửa, tức giúp chủ nhân tiết kiệm được 50% tiền điện.
Hiện nay, mỗi tháng, 2-3 tấn nấm các loại từ Nương Farm được chuyển đến các siêu thị ở An Giang và TP.HCM. Bên cạnh thu nhập từ nấm thì mỗi tháng trang trại của chị Nương còn có một nguồn thu đáng kể khác là tiền bán điện cho Công ty Điện lực An Giang.
Nhờ đấu nối vào lưới điện trước ngày 31/12/2020 nên trang trại Nương Farm được hưởng chính sách mua điện theo Quyết định 13/2020 của Chính phủ với giá mua điện 8,38 cent/kWh (tương đương 1.900 đồng/kWh). Hiện nay, hàng tháng mỗi MW công suất lắp đặt đem về cho vợ chồng chị Nương số tiền khoảng 300 triệu đồng.
Nhưng với chị Nương, thành tựu lớn nhất là Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh – nơi tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ Khmer với mức lương 250-300 nghìn đồng/ngày, tùy theo số giờ làm việc. "Thu nhập đó ở quê tôi là mơ ước. Giờ tôi có một công việc ổn định để có tiền chăm lo cho gia đình. Nơi làm việc cũng gần nhà, không cần phải đi xa", Neang Môm nói đầy vui vẻ khi nhớ về những năm tháng gia đình cô còn vất vả.
Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng mô hình mà chị Nương đang theo đuổi cũng không khỏi có những thách thức. Nữ giám đốc hợp tác xã nói: "Vốn đầu tư ban đầu rất lớn, đặc biệt là hệ thống pin mặt trời. Ngoài ra, hiện nay chính sách thu mua điện mặt trời chưa thực sự thuận lợi do ưu đãi từ Quyết định 13 của Chính phủ đã tạm dừng từ ngày 1/1/2021, nên nếu chúng tôi muốn mở rộng sản xuất thì hiệu quả kinh tế chưa được tối ưu".
"Vốn đầu tư thì doanh nghiệp có thể xoay sở, nhưng về chính sách thu mua điện chính sách, thiết nghĩ Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn và thu mua điện tốt hơn để khuyến khích phát triển mô hình này. Như thế nhiều người mới mạnh dạn đầu tư, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường", Châu Thị Nương đề xuất.

Trang trại nấm dược liệu kết hợp điện mặt trời của chị Châu Thị Nương tại phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Năm 2022, sáng kiến "Tận dụng rơm rạ sản xuất phôi nấm mối đen" đã đưa chị Nương lên bục cao nhất cuộc thi sáng kiến sinh kế nông nghiệp. Một năm sau, trang trại của chị lọt Top 10 doanh nghiệp xuất sắc tại Sáng kiến ESG (môi trường, xã hội và và quản trị) Việt Nam. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất là ánh mắt rạng ngời của những phụ nữ như Môm và bà Liên khi nấm linh chi do họ góp phần tạo ra được ký hợp đồng xuất khẩu sang Nhật Bản – thứ nấm được định giá 1,5-2 triệu đồng/kg nhờ quy trình sản xuất không hóa chất.
"Chúng tôi đang viết lại câu chuyện về người phụ nữ Khmer", chị Nương nói, giọng không giấu được niềm vui. Dưới những tấm pin mặt trời, những bịch phôi nấm tiếp tục đâm tơ trắng muốt – như chính cuộc đời của những người phụ nữ nơi đây, đang vươn lên mạnh mẽ giữa vùng đất khô cằn, thắp lên hy vọng về một Đồng bằng sông Cửu Long xanh và bền vững.

Nằm cách trang trại nấm của chị Nương hơn 250km, tại ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu là doanh nghiệp sản xuất nước mắm cá cơm của nữ doanh nhân Võ Thị Hồng Thoại, người khởi nghiệp ở tuổi 60. Dù sản phẩm làm ra khác nhau nhưng cả Nương Farm và nước mắm Thiên Phú đều có một điểm chung, đó là sử dụng năng lượng mặt trời.
Năm 2017, sau gần 40 năm làm việc trong các cơ quan Nhà nước, bà Võ Thị Hồng Thoại nghỉ hưu ở tuổi 58. Nhưng thay vì tận hưởng những ngày tháng an nhàn vui vầy bên con cháu, bà quyết định khởi nghiệp ở tuổi 60 bằng nghề làm nước mắm. Với 48 hồ ủ, mỗi hồ chứa 50 tấn cá cơm với tổng vốn đầu tư 7 tỷ đồng, bà bắt đầu hành trình chế biến nước mắm truyền thống. Tuy nhiên hành trình ấy không hề dễ dàng, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Bà Võ Thị Hồng Thoại giới thiệu với phóng viên TTXVN các hồ dùng ủ cá để làm nước mắm tại Cơ sở sản xuất nước mắm Thiên Phú, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Thực tế là dù đã nghiên cứu kỹ lưỡng và thuê đơn vị chuyên môn khoan thăm dò địa chất, bà Thoại vẫn không tránh khỏi những tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2022, bờ sông Gành Hào đoạn qua công ty của bà bị sạt lở một đoạn dài 30 mét, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Một kho muối rộng 250 m² cũng bị ảnh hưởng, may mắn là chưa kịp đổ muối vào, nếu không thì có thể mất thêm 600-700 triệu đồng.
"Biến đổi khí hậu hiện nay không còn theo quy luật tự nhiên nữa. Dù đã chuẩn bị kỹ, chúng tôi vẫn không thể tránh khỏi rủi ro", bà Thoại nói.
Nhưng đó là khó khăn bên ngoài, khó khăn thật sự mà bà Trong gặp phải trong những ngày đầu thành lập cơ sở sản xuất nước mắm chính là việc cơ sở phụ thuộc hoàn toàn vào điện lưới quốc gia.
"Nước mắm cần chạy 24/24 giờ để sục khí và đảo đều, nếu mất điện công việc sẽ bị đình trệ ngay lập tức", bà Thoại chia sẻ. Mỗi khi xảy ra sự cố cắt điện, nhân công phải tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba để bù lại công việc bị chậm trễ. "Có những lúc, chúng tôi phải huy động đến 30 người thay vì 10 người như bình thường. Chi phí nhân công tăng vọt, hiệu quả sản xuất lại giảm sút", bà nói.
Không chỉ vậy, điện lưới quốc gia còn không ổn định, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa như huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. "Có những ngày, điện cúp liên tục do sự cố kỹ thuật hoặc bảo trì lưới điện. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng nước mắm", bà Thoại kể lại.
Chi phí điện cũng là một gánh nặng. Mỗi tháng, cơ sở của bà tiêu tốn khoảng 18 triệu đồng tiền điện. "Với quy mô sản xuất công nghiệp, chi phí điện là một khoản lớn. Nếu không tìm cách tiết kiệm, giá thành sản phẩm sẽ tăng cao, khó cạnh tranh trên thị trường", bà giải thích.
Chính những khó khăn này đã thúc đẩy bà Thoại tìm kiếm giải pháp thay thế. Năm 2020, bà quyết định hợp tác cùng một doanh nghiệp đang đầu tư điện mặt trời ở Cà Mau hệ thống điện mặt trời công suất 7 MW, lắp đặt trên diện tích 3.600 m² tại xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, ven sông Gành Hào. "Tôi nhận thấy tiềm năng lớn từ năng lượng mặt trời. Nó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo nguồn điện ổn định, phù hợp với quy trình sản xuất liên tục của chúng tôi", bà nói.

Hệ thống pin mặt trời giúp việc sản xuất nước mắm của bà Thoại giảm phân nửa tiền điện hàng tháng. Nguồn điện dư thừa được bán cho EVN.
Từ khi sử dụng điện mặt trời, chi phí điện của cơ sở giảm 50%, đồng thời nguồn điện luôn ổn định, không còn tình trạng cúp điện đột ngột. "Điện mặt trời như một cứu tinh, giúp chúng tôi yên tâm sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm", bà Thoại chia sẻ.
Khu vực lắp đặt điện mặt trời cung cấp điện cho hoạt động sản xuất nước mắm của bà Võ Thị Hồng Thoại. Đây là khu vực đất hoang, bàu trũng, được bà Thoại đầu tư hệ thống pin mặt trời, vừa có điện sử dụng, vừa phục vụ cho hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá.
Hãng nước mắm Thiên Phú hiện tạo việc làm cho 5 lao động chính thức (có bảo hiểm xã hội) và khoảng 40 lao động thời vụ, trong đó, 60% là lao động nữ, với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng, bình quân 7 triệu đồng. Bên cạnh đó, khu vực lắp đặt điện mặt trời còn trở thành nơi neo đậu cho tàu bè và dịch vụ hậu cần nghề cá. "Chúng tôi tận dụng phần đất trống dưới tấm pin để ngư dân vá lưới, vừa mát mẻ vừa tạo thêm thu nhập cho họ", bà nói.
Năm 2024, công ty của bà Võ Thị Hồng Thoại đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng từ bán nước mắm và được công nhận OCOP 3 sao. Công ty cũng đã hoàn thiện các chứng nhận HACCP và ISO để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhưng cũng như chị Nương, dù mô hình kết hợp điện mặt trời và sản xuất nước mắm mang lại nhiều lợi ích, bà Thoại vẫn gặp không ít khó khăn.
"Vốn đầu tư ban đầu rất lớn, đặc biệt là hệ thống pin mặt trời nhưng chính sách của Nhà nước hiện nay trong việc thu mua, truyền tải nguồn điện này chưa đồng bộ với hạ tầng lưới điện. Điều này dẫn đến dù cung – cầu điện mặt trời chưa chắc đã dư thừa nhưng do hệ thống truyền tải chưa đảm bảo nên có những khu vực như ở huyện Đông Hải sản lượng thu mua bị giảm so với công suất", bà chia sẻ.
Với công suất lắp đặt 7 MW, ngoài sử dụng cho sản xuất nước mắm thì phần lớn lượng điện mặt trời của Công ty được ký hợp đồng bán cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (chi nhánh Điện lực Đông Hải).
Theo bà Thoại, việc sản lượng điện bán lên lưới bị giảm do hạn chế của hệ thống truyền tải khiến các nhà đầu tư điện mặt trời như bà rất trăn trở, khó khăn nhưng không có cách giải quyết gì đây là thực tế ở địa phương. "Chúng tôi chỉ mong Nhà nước sớm có quy hoạch và chính sách ổn định thì sẽ tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời”, bà nói.
Dưới những tấm pin mặt trời, những hồ nước mắm tiếp tục lên men, cho ra những mẻ nước mắm truyền thống mặn mòi vị biển. Câu chuyện của bà Thoại không chỉ là một hành trình khởi nghiệp đầy cảm hứng, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của sự kiên trì và tầm nhìn xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gay gắt, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Ai là người giữ vai trò quan trọng trong việc kiến tạo những giải pháp bền vững cho tương lai? Tại Đồng bằng sông Cửu Long, câu trả lời đang dần hé lộ - đó chính là phụ nữ.

Những phụ nữ làm việc tại trại nấm của chị Nương. Họ nhận tiền công từ 20.000 đồng - 30.000 đồng mỗi giờ.
Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ một góc nhìn ít ai ngờ về vai trò của phụ nữ trong cuộc chuyển đổi xanh. Đó là theo một nghiên cứu của UN Women năm 2022 thì 70% những nhóm dân cư chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu lại là phụ nữ. Nghịch lý thay, chính những người bị tổn thương nhất lại có thể trở thành những nhà cải thiện mạnh mẽ nhất.
"Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng có nguy cơ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên", bà Linh nhấn mạnh. “Nhưng trong nghịch cảnh, tiềm năng của phụ nữ lại được khơi dậy một cách mạnh mẽ”. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) chỉ ra rằng sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế xanh có thể làm tăng GDP toàn cầu thêm 12.000 tỷ USD vào năm 2030.
Oái oăm thay, theo bà Linh, số liệu sau cùng của VCCI đến ngày 31/12/2020 cho thấy tại Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ điều hành còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 8,3% so với gần 106.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trên cả nước. Con số này tại Đồng bằng sông Hồng là hơn 29% còn tại Đông Nam Bộ là 43%.

TS. Lý Quốc Đẳng, Bộ môn Xã hội học, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Cần Thơ) trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
TS. Lý Quốc Đẳng, Bộ môn Xã hội học, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Cần Thơ) chia sẻ nghiên cứu của ông thực hiện năm 2024 về ngập lụt tại thành phố Cần Thơ cho thấy phụ nữ chịu nhiều tác động hơn so với nam giới do vai trò khác biệt của họ trong gia đình và cộng đồng. Chẳng hạn khi ngập lụt đến, họ phải đối mặt với sự thiếu thốn về nguồn nước nhiều hơn do nhu cầu nước của phụ nữ nhiều hơn nam giới.
"Chính sự khác biệt về tác động này mà doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các giải pháp bảo vệ môi trường so với nam giới", ông Đẳng chia sẻ.
Là người sáng lập Y-Farm Mekong, mạng lưới khuyến khích sự tham gia của thanh niên trong các hoạt động nông nghiệp sinh thái, vào năm 2017, TS. Đẳng nhận thấy nữ giới tham gia mạng lưới nhiều hơn nam giới và cũng quan tâm đến các giải pháp nông nghiệp sinh thái (bảo vệ môi trường) nhiều hơn.

Tại tỉnh An Giang, từ năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang đã triển khai một chương trình cụ thể hỗ trợ vốn cho phụ nữ ứng dụng điện mặt trời cho sản xuất, kinh doanh. Hai hội viên được hỗ trợ trong đợt đầu là chị Nguyễn Thị Kim Loan (ấp Long Bình, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) và chị Trần Kim Hồng (ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) được Quỹ trao quyền cho phụ nữ (Dự án UNEP) hỗ trợ nguồn vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ sản xuất với số tiền vay là 150 triệu đồng.

Một trang trại trồng nấm kết hợp điện mặt trời khác của chị Nương ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Bà Nguyễn Thị Quyến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cho biết, Dự án “Trao quyền cho phụ nữ vì một xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu” (Dự án UNEP) giai đoạn 2020 – 2021 hướng tới mục tiêu hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn tài chính với các mô hình ứng dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất kinh doanh.
Bà nói: "Với nguồn vốn cho vay hỗ trợ đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ sản xuất kinh doanh, chúng tôi mong muốn chị em chủ cơ sở nâng cao ý thức, tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, qua đó cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời giúp giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận và thu nhập cho gia đình”.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, cố vấn Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là nơi có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Những năm gần đây, nhiều nông dân ở miền Tây đã sử dụng điện mặt trời thông qua việc lắp đặt các tấm pin để phục vụ tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu, phơi sấy và chế biến nông sản.
Việc đầu tư năng lượng mặt trời trong sản xuất đem lại các lợi ích cho nông dân là giúp giảm chi phí năng lượng, tự động hóa một số khâu, giúp tăng giá trị nông sản, có được chứng chỉ xanh khi xuất khẩu, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường nhờ giảm phụ thuộc vào các nguồn điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch như điện than, điện chạy bằng dầu diesel.
"Ví dụ khi sử dụng điện mặt trời để chạy máy bơm thì sẽ giảm được các loại máy chạy bằng xăng dầu. Trong khi xăng dầu là nguồn phát thải khí nhà kính rất nhiều cũng như tạo ra tiếng ồn", ông Tuấn nói và thêm rằng trong canh tác nông nghiệp, nếu kết hợp cùng điện mặt trời sẽ mang lại 6 lợi ích, gồm giảm chi phí, giảm phát thải khí carbon, trong khi sức khỏe đất đai được cải thiện, tăng hiệu quả, tăng năng suất cũng như tính bền vững.

Các tấm pin mặt trời lắp đặt trên khu đất của công ty bà Võ Thị Hồng Thoại tại xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Báo cáo của EVN đến ngày 31/12/2020, thời điểm chính sách mua điện mặt trời theo Quyết định 13/2020 hết hiệu lực, có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp. Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đến thời điểm trên đã đạt hơn 1,15 tỷ kWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam dự kiến đến năm 2030, công suất điện mặt trời sẽ đạt 20.591 MW và tăng lên đến 189.000 MW vào năm 2050. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra thách thức đang đối mặt là sự phát triển "quá nóng" của các dự án điện mặt trời, đặc biệt là vấn đề hệ thống lưới điện và phụ tải không đáp ứng được nhu cầu, gây nghẽn mạch truyền tải.
Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách trong việc phát triển điện mặt trời ở Việt Nam, ngày 22/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135 về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo đó, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu không dùng hết được bán lên hệ thống quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.

Những câu chuyện của chị Châu Thị Nương, bà Võ Thị Hồng Thoại và nhiều phụ nữ khác ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là những cá thể riêng lẻ, mà là dấu hiệu đầy hứa hẹn về sự chuyển đổi năng lượng và nông nghiệp bền vững. Mỗi dự án đều mang lại những lợi ích cụ thể: giảm chi phí năng lượng, tăng năng suất sản xuất, tạo việc làm ổn định cho những đối tượng yếu thế và quan trọng hơn hết là góp phần bảo vệ môi trường.
Tiềm năng của năng lượng mặt trời tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn rất lớn. Với những chính sách hỗ trợ ngày càng thuận lợi, như Nghị định 135/2024 về khuyến khích phát triển điện mặt trời, những mô hình như của chị Nương và bà Thoại có thể trở thành điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng năng lượng xanh./.
Thiết kế: Hoàng Long
Một mô hình thành công ở Ấn Độ
Không riêng Việt Nam, phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển cũng đã được hỗ trợ tiếp cận với năng lượng mặt trời để tăng thu nhập. Trong một bài báo có tựa đề "Năng lượng mặt trời giúp phụ nữ Ấn Độ giảm bớt khó khăn trong quay sợi bông" đăng trên Context.news (nền tảng truyền thông thuộc sở hữu của Thomson Reuteurs Foundation) vào năm 2022, tác giả Moushumi Basu cho biết, 4.000 phụ nữ tại các làng ở Uttar Pradesh – bang đông dân nhất và nghèo nhất Ấn Độ – đã được đào tạo và cấp phát bánh xe quay sợi chạy bằng năng lượng mặt trời (gọi là charkha) trong những năm gần đây theo chương trình của chính quyền bang. Nhờ đó, chị Anita, 34 tuổi, có thể sản xuất tới 1,5 kg sợi bông mỗi ngày, thay vì chỉ 400g như trước đây, giúp thu nhập hằng tháng tăng hơn bốn lần, đạt trung bình ít nhất 10.000 rupee (126 USD)/tháng.
Từ năm 2018, mỗi năm có khoảng 1.000 phụ nữ tại Uttar Pradesh được cấp miễn phí một bộ charkha năng lượng mặt trời trị giá 50.000 rupee, do Ban Công nghiệp Thủ công và Nông thôn Uttar Pradesh (UPKVIB) tài trợ.
Tác giả Basu dẫn lời ông Navneet Sehgal - Thư ký cấp cao của UPKVIB, cho biết ban đầu chương trình gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục các hộ gia đình nông thôn, vốn mang nặng tư tưởng gia trưởng, cho phép phụ nữ tham gia đào tạo charkha năng lượng mặt trời. Nhưng sau đó chương trình đã tăng trưởng mạnh mẽ sau giai đoạn đầu triển khai chậm chạp.
"Thật thỏa mãn khi thấy số lượng phụ nữ tham gia ngày càng tăng, họ làm việc với sự tự tin cao hơn, có tiếng nói lớn hơn trong gia đình và được tôn trọng hơn", ông Navneet Sehgal nói.