Nâng cao chất lượng sản phẩm ớt Mường Khương
Được thiên nhiên ưu ái, Mường Khương từ lâu đã được biết đến với những nông sản nổi tiếng như tương ớt, gạo séng cù, lạp xường, lợn đen... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến và quản lý vững thương hiệu để người dân trực tiếp được hưởng lợi từ sản phẩm do mình làm ra.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Khương, nhiệm kỳ 2015-2020 đã ban hành Đề án số 3 về quy hoạch phát triển sản xuất ớt hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến và quản lý thương hiệu tương ớt Mường Khương giai đoạn 2016-2020. Việc xây dựng đề án góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp từ sản xuất theo phương thức tự cung, tự cấp chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành lên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hiện, cây ớt Mường Khương được nhân dân các xã trong huyện đưa vào trồng với diện tích 200 ha, năng suất bình quân ước đạt 50 tạ/ha, tổng sản lượng 1.000 tấn/năm, giá trị trên 15 tỷ đồng. Sản phẩm tương ớt Mường Khương được thị trường trong và ngoài tỉnh rất ưa chuộng, đã được Cục sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Việc sản xuất ớt thực hiện theo chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm giữa hợp tác xã với các hộ dân nên đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất. Sau mỗi vụ thu hoạch, sản phẩm ớt quả được hai đơn vị là HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương và Hợp tác xã Hoa Lợi, thôn Cánh Chín, xã Vạn Hòa (TP Lào Cai) thu mua với giá ổn định theo đúng cam kết với nông dân.
Năm 2006, các sản phẩm tương ớt của HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu. Để mở rộng kinh doanh, đơn vị cũng đầu tư dây chuyền chế biến các sản phẩm từ quả ớt đặc sản Mường Khương để giới thiệu đến người tiêu dùng như ớt khô, ớt xào… Nhờ đó, sản phẩm ớt của Mường Khương ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưu tiên lựa chọn.
Còn tại Hợp tác xã Hoa Lợi - một trong những đơn vị thu mua sản lượng lớn ớt Mường Khương mỗi năm, với mong muốn phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu tương ớt Mường Khương, HTX đã có những bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm tương ớt Mường Khương cay truyền thống, đơn vị đã đầu tư thêm dây chuyền sản xuất với trị giá hơn 1 tỷ đồng để đưa ra thị trường sản phẩm ớt ngọt.
Với mục tiêu giữ vững thương hiệu, đưa các sản phẩm ớt Mường Khương ra thị trường các tỉnh bạn, HTX Hoa Lợi đã chủ động thực hiện liên kết với HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương. Từ sự liên kết này, 10 năm qua, sản phẩm tương ớt Mường Khương của HTX Hoa Lợi đã có chỗ đứng trên thị trường, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên mỗi năm, đơn vị sản xuất hơn 200 tấn nguyên liệu nhưng không có tình trạng tồn kho sản phẩm, tổng doanh thu trung bình đạt 5 tỷ đồng/năm.
Để có nguồn nguyên liệu ớt quả phục vụ nhu cầu sản xuất của các HTX, doanh nghiệp bao tiêu, Mường Khương khuyến khích và con đẩy mạnh tái đầu tư phát triển thành vùng sản xuất ớt hang hóa. Đồng thời, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, sản xuất rải vụ để kéo dài thời gian tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tang cường bám cơ sở, hỗ trợ bà con về kỹ thuật đảm bảo đạt tiêu chuẩn Vietgap. Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đó trong những năm qua, phát triển sản xuất ớt được các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện và đã được nhân dân ủng hộ, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và cải thiện môi trường sinh thái. Sản phẩm ớt được HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt tươi với các hộ nông dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều hộ, nhóm hộ tham gia sản xuất tương ớt theo phương pháp truyền thống, hàng năm sản lượng đạt trên 1.000 tấn tương ớt. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện- đơn vị chủ trì Đề án số 3: Tổng diện tích ớt thực hiện năm 2016 là 80 ha, bằng 40% mục tiêu Đề án; năm 2017 là 114 ha, bằng 57% mục tiêu Đề án; năm 2019 là 200 ha bằng 100% mục tiêu Đề án; năng suất bình quân ước đạt 5,5 tấn/ha.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Đề án số 3 vẫn gặp một số khó khan như: việc mở rộng quy mô phát triển vùng sản xuất ớt đã được quan tâm, tuy nhiên diện tích còn nhỏ lẻ, không tập trung liền vùng, liền thửa; chất lượng nguyên liệu chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương. Để khắc phục hạn chế trên, Mường Khương sẽ tập trung xác định đúng tiềm năng, thế mạnh của cây ớt để xây dựng các giải pháp, sớm ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong phát triển vùng ớt hang hóa để đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hướng dẫn nhân dân áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap và các tiêu chuẩn khác để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Gắn công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện với công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời rút kinh nghiệm và có giải pháp giúp người trồng ớt khắc phục những tồn tại, khó khăn trong thực hiện...
Cùng với cách làm sáng tạo, bài bản của Đảng bộ và sự cần cù của người dân Mường Khương, trong tương lai vùng sản xuất ớt hứa hẹn sẽ phát triển bền vững góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.