Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm
Rượu giả, rượu kém chất lượng bùng phát dịp cuối năm là vấn nạn mà các cơ quan chức năng, doanh nghiệp kinh doanh rượu và người tiêu dùng phải đối mặt.
Khó khăn vì rượu kém chất lượng
Chia sẻ tại Tọa đàm Nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh rượu dịp cuối năm, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam chia sẻ, rượu là sản phẩm truyền thống, không thể thiếu được trong những dịp mà tết đến xuân về. Đối với người dân Việt Nam, lượng tiêu thụ rượu trong mỗi dịp tết đều tăng lên. Bên cạnh đó, những hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm pháp luật trong các dịp cuối năm, Lễ tết cũng có xu hướng nhiều hơn.
Những sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, nồng độ Methanol vượt ngưỡng cho phép, rượu nhập nhập không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm… sẽ gây hệ lụy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất kinh tế, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp hoạt động chân chính.
“Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đồ uống phi chính thức đã và đang gây tổn thất tới 751 triệu đô, xấp xỉ khoảng 17 ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước, đấy là một con số rất là lớn” – bà Chu Thị Vân Anh nói. Do đó, có thể thấy, an toàn thực phẩm là vấn đề rất được quan tâm và phải cần quan tâm hơn nữa để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, cộng đồng người người tiêu dùng, gián tiếp giúp cho những hoạt động, hỗ trợ những hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chân chính.
Về phía doanh nghiệp, ông Tống Nguyên Long - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Rượu và Nước giải khát Hà Nội cho hay, Công ty CP Rượu và Nước giải khát Hà Nội là đơn vị duy nhất hiện tại có hệ thống tháp cất 8 tháp. Qua đó, toàn bộ các độc tố như methanol, andehit được loại hoàn toàn. Tuy nhiên, quá trình lưu thông, đưa ra ngoài thị trường công ty cũng gặp một số vấn đề khó khăn, vướng mắc bởi khá nhiều người tiêu dùng chưa có trách nhiệm và ý thức trong khâu lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ.
Đơn cử, một chai rượu bán 100.000 đồng, công ty phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhà nước xấp xỉ 40.000 đồng. Thế nhưng, những loại rượu không kiểm soát được vừa thất thu thuế cho nhà nước lại vừa không đảm bảo chất lượng.
Tăng cường quản lý chất lượng rượu dịp cuối năm
Với chức năng nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý nhà nước luôn tăng cường công tác quản lý rượu dịp cuối năm. Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương chia sẻ, thời gian vừa qua, có thể nói, mặt hàng rượu nói riêng và an toàn thực phẩm nói chung là lĩnh vực được Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Cục Quản lý thị trường đặc biệt quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, người dân.
Trước tình hình ngộ độc rượu có dấu hiệu gia tăng trong dịp cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục có biện pháp tích cực nhất khi những ngày lễ hội sắp tới đây, nhất là dịp tết đến xuân về, lượng tiêu thụ về rượu sẽ tăng đột biến, người dân niềm vui hân hoan đón tết sẽ sử dụng sản phẩm rượu nhiều hơn mức bình thường.
Đứng trước nhu cầu cấp bách đó, Tổng Cục Quản lý thị trường luôn chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc, gồm các cục quản lý thị trường ở các tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu.
Trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành ký cam kết, tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh hiểu được tác hại của việc sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Từ đó hạn chế các hành vi vi phạm trong việc sản xuất và kinh doanh rượu.
Đồng thời, Tổng cục Quản lý thị trường cũng tuyên truyền cho người dân nên mua những sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo theo đúng quy định của nhà nước.
Đặc biệt hơn nữa, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, người tiêu dùng không nên lạm dụng rượu thủ công tự nấu để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Bởi vì, sản phẩm rượu thủ công đôi khi lẫn những tạp chất độc hại, không đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng.
Ông Nguyễn Đức Lê cho biết, vào những dịp cao điểm, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm Quốc gia đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra cũng như chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc; trong đó, có Tổng cục Quản lý thị trường. Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường thuộc cùng một số đơn vị khác của Bộ Công Thương đều tham gia và tiến hành kiểm tra, giám sát với các hoạt động cung cấp thực phẩm.
Để đẩy lùi vấn nạn này, Tổng cục Quản lý thị trường đã có kế hoạch giao cho 63 tỉnh, thành tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm và nhất là những lĩnh vực như rượu, bia, nước giải khát. Đồng thời, lực lượng cũng tiến hành kiểm tra kiểm soát chặt các mặt hàng liên quan đến thực phẩm như thịt lợn, sản phẩm về nông nghiệp… để đảm bảo cho người dân đón Tết an lành, mạnh khỏe.
Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) chia sẻ thêm, chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ bước sang năm 2023, do đó, Bộ Công Thương thành lập 2 đoàn kiểm tra, một đoàn do Vụ khoa học Công nghệ đơn vị đầu mối về an toàn thực phẩm của ngành công thương và một đoàn do Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì.
Tuy nhiên, để giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc xảy ra với doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông Nguyễn Việt Tấn khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước sản phẩm, chế độ an toàn về sản phẩm mà đơn vị sản xuất ra.
Cùng đó, các tổ chức, cá nhân phải thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn hàng, bao bì theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Chịu trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo an toàn nếu có bởi mọi hành vi vi phạm đều có chế tài xử phạt rõ ràng.