Nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về 'Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới', những năm qua, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đặc biệt quan tâm phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ; tạo điều kiện cho các hoạt động sáng tác, nâng cao chất lượng và quảng bá các tác phẩm VHNT phù hợp với sự phát triển chung của toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho Nhân dân.
Hội thảo khoa học với chủ đề: Văn học nghệ thuật Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới”, do Hội VHNT Thanh Hóa tổ chức.
Văn học - nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Trong những năm gần đây, song hành cùng sự vận động và phát triển của quê hương, đất nước, VHNT Thanh Hóa đã bám sát thực tiễn để phát hiện, phản ánh đa dạng các đối tượng, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực; các tác phẩm VHNT không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào.
Trong năm 2021, nhiều ban, chuyên ngành Hội VHNT Thanh Hóa có tác phẩm - tác giả đoạt giải thưởng tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm khu vực, cả trong nước và quốc tế, như: cuốn sách “Tinh hoa văn hóa xứ Thanh” của cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đoạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021; tác phẩm “Những thời xanh tráng lệ” của tác giả Nguyễn Thanh Tâm đoạt giải C của Hội đồng lý luận phê bình văn học Trung ương; đoàn kịch nói, Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn giành các Huy chương Vàng, Bạc tại hội diễn toàn quốc; họa sĩ Bùi Thị Ngoan đoạt giải B, họa sĩ Lê Hải Anh đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Mỹ thuật khu vực; NSNA Trọng Thắng có 2 tác phẩm được chọn trưng bày trong Triển lãm quốc tế tại Việt Nam; NSNA Lê Công Bình có 16 bằng danh dự tại các cuộc thi ảnh quốc tế, 1 giải nhì cuộc thi ảnh của FAO, 1 Huy chương Bạc tại Montenegro và nhiều ảnh triển lãm quốc tế...
Với nỗ lực đổi mới, những năm qua, Hội VHNT Thanh Hóa đã tăng cường các hoạt động trao đổi, sinh hoạt học thuật nhằm nâng cao trình độ, năng lực và chất lượng sáng tác của hội viên. Cũng trong năm 2021, Hội VHNT Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học như: Hội thảo tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung với chủ đề “Văn học trẻ Bắc miền Trung - Những thách thức và trách nhiệm”; “Bảo tồn, phát huy giá trị văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững”; Văn học nghệ thuật Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”...
Trong đó, Hội thảo khoa học VHNT Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” (tháng 11-2021) đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng sáng tác VHNT, thông qua các bài tham luận, như: Sân khấu xứ Thanh từ góc nhìn nghề nghiệp và yêu cầu của thời kỳ mới (NSND Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Ban Sân khấu); Văn xuôi Thanh Hóa trong việc tiếp cận cái mới, đa dạng hóa nội dung và phương thức phản ánh (nhà văn Nguyễn Văn Đệ, Trưởng Ban Văn xuôi); Thơ Thanh Hóa đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật (nhà thơ Bùi Lâm Bằng, Trưởng Ban Thơ); Nhiếp ảnh Thanh Hóa góp phần phản ánh, quảng bá sức sống của quê hương Thanh Hóa (NSNA Đỗ Xuân Tứ, Trưởng Ban Nhiếp ảnh); Hoạt động âm nhạc của Thanh Hóa trong thời kỳ mới (nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam, Trưởng Ban Âm nhạc); Điện ảnh Thanh Hóa đổi mới hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” (nghệ sĩ Nguyễn Đăng Văn, Trưởng Ban Điện ảnh)...
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh, Trưởng Ban Văn học trẻ (Hội VHNT Thanh Hóa), Lưu Thị Nga cho biết: Những năm gần đây, để nâng cao chất lượng sáng tác VHNT, Hội VHNT Thanh Hóa đã thường xuyên chỉ đạo và tổ chức cho các ban chuyên ngành đi thực tế, sáng tác về các vùng miền của tỉnh Thanh Hóa. Các chuyến đi thực tế của văn nghệ sĩ thường bám sát vào các trọng điểm mới như: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sáng tác về đất và người xứ Thanh... Bên cạnh đó, những cuộc hội thảo chuyên ngành về đề tài hoặc tác phẩm tiêu biểu của văn nghệ sĩ cũng được quan tâm và tổ chức. Đây là việc làm cần thiết, qua đó đánh giá lại quá trình lao động của đội ngũ văn nghệ sĩ, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm.
Được biết, trong năm 2022, Hội VHNT sẽ đẩy mạnh tổ chức một số cuộc thi nhằm khích lệ tinh thần sáng tác và nâng cao chất lượng tác phẩm VHNT. Điển hình là cuộc thi ảnh nghệ thuật “Về miền di tích danh thắng xứ Thanh” do Hội VHNT Thanh Hóa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, với tổng giá trị giải thưởng cuộc thi lên tới gần 200 triệu đồng.
Có thể nói, để VHNT Thanh Hóa phát triển xứng tầm với sự phát triển của tỉnh, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới, trước hết, bản thân mỗi văn nghệ sĩ và tổ chức hội phải nêu cao tinh thần, nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của mình, từ đó nỗ lực, phấn đấu, cống hiến hết mình cho sự phát triển VHNT của tỉnh. Cùng với đó, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư hơn nữa từ phía các cấp, ngành và toàn xã hội, như: duy trì và tăng cường các hoạt động hỗ trợ sáng tác; tôn vinh các văn nghệ sĩ có cống hiến lâu dài và hiệu quả cho đời sống VHNT tỉnh; xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý cho những người tham gia với vai trò “không chuyên nhưng hoạt động thường xuyên, có nhiều đóng góp cho tổ chức hội VHNT...