Nâng cao chất lượng tạp chí khoa học ngành Tài nguyên và Môi trường
Ngày 28-11, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học tạp chí in.
Phát biểu tại hội thảo, TS Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tạp chí khoa học luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút, duy trì và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, các tạp chí khoa học đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ trong việc khắc phục những hạn chế còn tồn tại, củng cố chất lượng nội dung, đổi mới cách trình bày, xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, phát triển hình thức xuất bản trực tuyến, mở rộng liên kết… Tạp chí Tài nguyên và Môi trường với mục tiêu nâng cao chất lượng trong công tác biên tập và xuất bản tạp chí cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Theo TS Đào Xuân Hưng, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường là kênh truyền thông quan trọng, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu,... Trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí đang được triển khai mạnh mẽ, việc nâng cao chất lượng nội dung và điểm số của tạp chí in là nhiệm vụ cấp thiết để từng bước khẳng định vị thế tạp chí khoa học uy tín của ngành Tài nguyên và Môi trường.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, quản lý, lãnh đạo các tạp chí khoa học của Việt Nam đã chia sẻ, góp ý nhiều giải pháp để giúp Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đổi mới, phát triển trong thời gian tới. Các ý kiến tập trung vào việc nhận diện về chất lượng các tạp chí khoa học ở Việt Nam hiện nay, bài báo tiêu chuẩn quốc tế, cách thức và kinh nghiệm đưa tạp chí vào các hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học trong nước, trong khu vực và trên thế giới.
Liên kết xuất bản tạp chí khoa học với các nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước; quốc tế hóa nội dung bài viết; các vấn đề về phát triển nội dung truy cập mở giúp bài viết được tiếp cận và trích dẫn nhiều hơn. Phát triển nền tảng xuất bản số hiện đại, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, AI để quản lý quy trình biên tập và phân tích số liệu trích dẫn; xây dựng mạng lưới học thuật; tính minh bạch và đạo đức trong xuất bản...
Bên cạnh đó, các chuyên gia đã trao đổi, làm rõ hơn kinh nghiệm việc thành lập Hội đồng biên tập, Hội đồng chuyên môn; vấn đề phản biện các bài báo khoa học; vấn đề thu hút các tác giả uy tín viết bài trên tạp chí; các vấn đề về kỹ năng viết, biên tập và thẩm định bài báo, biên tập, thiết kế để nâng cao chất lượng hình thức tạp chí…