Nâng cao chất lượng thư viện trường học
Thư viện trường học góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng nhân cách cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số trường học, thư viện vẫn chưa được đầu tư tương xứng và quan tâm đúng mức. Theo đó, thư viện mới chỉ là 'cái kho' để chứa sách, là nơi cho học sinh và giáo viên mượn sách. Hoạt động thư viện chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút được nhiều học sinh đến học tập và trải nghiệm ở không gian này.
Còn nhiều bất cập
Thông tin tại Hội thảo Tổng kết công tác thư viện năm học 2018 - 2019, định hướng xây dựng bộ tiêu chuẩn thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Những năm qua, các thư viện trường học đã phát huy được vai trò, tác dụng của mình, nhất là với cấp Tiểu học khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày.
Theo đó, song song với các giờ học trên lớp, học sinh có giờ học tại thư viện với những mô hình dạy học tích cực, phương thức giáo dục mở, thân thiện, giúp học sinh được tự do, chủ động tìm hiểu, khám phá kiến thức. Đây cũng là tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới khi chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và một trong những năng lực cốt lõi là tự học, tự chủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thư viện tại các trường học vẫn tồn tại một số hạn chế và phát triển chưa đồng bộ. Trang thiết bị cơ sở vật chất và nguồn học liệu của một số thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Một số nơi chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ thư viện, khiến hoạt động vận hành thư viện chưa phát huy hết hiệu quả. Một số trường học chưa thực sự quan tâm nên thư viện mới chỉ là “cái kho” để chứa sách, là nơi cho học sinh và giáo viên mượn sách. Hoạt động thư viện chưa phát huy được hiệu quả, chưa thu hút được nhiều học sinh đến học tập và trải nghiệm ở không gian này.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng (Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, thư viện cơ sở giáo dục có tầm quan trọng bậc nhất, tác động đến việc hình thành thói quen đọc sách, phương pháp học tập có tra cứu, tham khảo khoa học, từ đó tạo nên văn hóa đọc, góp phần xây dựng nhân cách cho thanh thiếu nhi và con người Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Chẳng hạn như: Nhật Bản đã ban hành Luật Thư viện trường học từ năm 1953. Tại Hàn Quốc, Luật Thư viện trường học được ban hành vào năm 1963, bắt buộc mỗi trường học đều phải có thư viện...
Trong khi đó, ở cơ sở giáo dục Việt Nam hiện nay, bên cạnh nhiều đơn vị xem thư viện là trái tim của trường học, vẫn còn nhiều đơn vị không quan tâm đến việc phát triển thư viện. Có trường bố trí thư viện ở tầng cao nhất hoặc ở gần nhà vệ sinh, không phù hợp và không thuận tiện cho trẻ em đến đọc sách và tìm thấy sự hứng thú với hoạt động thư viện.
Nhiệm vụ chính của rất nhiều thư viện hiện nay là bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập cho học sinh. Ngoài ra, cán bộ thư viện cơ sở giáo dục hiện nay không có chế độ chính sách bảo đảm cho cuộc sống và tạo động lực cho nghề nghiệp, cũng không có chế độ thâm niên, không có phụ cấp đứng lớp. Rất nhiều trường bố trí cán bộ thư viện là giáo viên kiêm nhiệm hoặc giáo viên đứng tuổi không còn sức khỏe giảng dạy tại lớp.
Cùng quan điểm, theo đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn đại biểu Nam Định), tại nhiều nhà trường, nhắc đến thư viện là nhắc tới một vị trí cố định, có khi lại đặt không hợp lý trong khuôn viên, không thuận lợi cho học sinh lui tới. Thời gian hoạt động thư viện theo giờ hành chính, mở cửa khi học sinh đã vào học và đóng cửa trước khi học sinh tan học. Chất lượng phục vụ trong thư viện nhà trường ở nhiều nơi không cao. Người làm công tác thư viện hoặc là kiêm nhiệm hoặc thiếu trình độ chuyên môn, thiếu kỹ thuật, nhiều khi không hợp tác, tạo tâm lý e ngại cho học sinh. Hình thức hoạt động của thư viện còn đơn điệu, khó tạo được hứng thú, thu hút người đọc…
Nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, từ năm 1998, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động thư viện trường phổ thông nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8 về xây dựng một nền giáo dục chuẩn hóa. Năm 2003, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành Quyết định 01/2003/QĐ-BGDĐT về Tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông, trong đó đề ra các các tiêu chuẩn quan trọng cho một thư viện như: Số lượng đầu sách, cơ sở vật chất (diện tích phòng thư viện, quy định bàn ghế, máy tính…), cán bộ thư viện, công tác quản lý quản trị, tổ chức hoạt động của thư viện.
Chiều 21/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thư viện với 91,51% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Luật gồm 6 Chương, 52 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020. Luật Thư viện mới được các chuyên gia đánh giá sẽ tác động rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với sự phát triển văn hóa, giáo dục và khoa học của đất nước; góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc; bảo đảm tính minh bạch và khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế...
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thực hiện, các văn bản pháp lý về tổ chức, hoạt động thư viện đã có những nội dung “lỗi thời” so với thực tế hiện nay, nhất là khi Luật Thư viện vừa được Quốc hội thông qua và Việt Nam đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13. “Chúng ta phải đổi mới từng yếu tố để tạo ra chất lượng giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu mới của thực tế cuộc sống và hội nhập thế giới.
Trong đó một cấu phần rất quan trọng để tạo nên mô hình trường học chất lượng, góp phần hình thành thói quen đọc sách, năng lực tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo cho học sinh chính là phát triển và nâng cao hiệu quả thư viện trường học. Để làm được điều này, các văn bản pháp lý đã lỗi thời cần được chỉnh sửa, thay thế” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.
Một trong giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong trường học, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, là phải khảo sát được nhu cầu của học sinh theo từng vùng miền, từng lứa tuổi, để từ đó lên kế hoạch mua sắm, xác định nguồn tài liệu phù hợp với nhu cầu học tập, giải trí của các em. Đây cũng là hình thức thu hút học sinh đến với thư viện nhà trường. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện đảm bảo phù hợp, có hình thức hoạt động linh hoạt, phong phú nhằm tạo hứng thú cho học sinh đến đọc và học.
“Chúng ta cần nghiên cứu để tổ chức thư viện thành không gian mở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp học liệu. Cán bộ thư viện cần làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách để thu hút học sinh đến thư viện nhà trường. Bốn yếu tố gồm: Nguồn tài liệu, cán bộ thư viện, người đọc, cơ sở vật chất/hạ tầng kỹ thuật cần được liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả hoạt động thư viện trong các nhà trường” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nang-cao-chat-luong-thu-vien-truong-hoc-100590.html