Nâng cao chất lượng truyền thông về trợ giúp pháp lý
ĐBP - Năm 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông TGPL. Trong đó, đa dạng hóa các hình thức truyền thông được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu giúp người dân tiếp cận thông tin TGPL hiệu quả.
Cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tuyên truyền, TGPL cho người dân bản Tả Sú Lình, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.
Để thực hiện hiệu quả công tác truyền thông TGPL, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp triển khai, thực hiện công tác TGPL. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 6 lớp tập huấn (1 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng TGPL cho người thực hiện TGPL và 5 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tiếp cận TGPL tại cơ sở cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng) tại địa bàn xã thuộc các huyện Mường Ảng, Mường Nhé, Điện Biên, Tuần Giáo. Từ cuối năm 2021, Trung tâm đã tham mưu cho Sở Tư pháp phối hợp cùng các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thông tin, truyền thông; cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các địa phương xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa mục tiêu, nội dung TGPL phù hợp với từng đối tượng như: Người dân nghèo vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; người khuyết tật, trẻ vị thành niên, người tái hòa nhập cộng đồng, người cao tuổi... Từ đầu năn đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân các địa phương thực hiện truyền thông pháp luật về TGPL tại 113 thôn, bản thuộc 25 xã, thu hút 4.678 người tham dự. Nội dung TGPL tập trung vào những vấn đề cơ bản như: Luật Đất đai; Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Tranh chấp đất đai và hòa giải tranh chấp đất đai; Bộ luật Dân sự; Luật Phòng chống ma túy; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Biên giới quốc gia... Tại các buổi truyền thông TGPL, Trung tâm cấp phát miễn phí 170 tờ đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, 4.400 tờ gấp về người được TGPL, 2550 tờ gấp TGPL cho người khuyết tật, hơn 100 quyển tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng tiếp cận về TGPL cho người dân.
Đồng thời, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường đăng tải các tin, bài, ảnh, vụ việc được TGPL, hỏi đáp pháp luật đăng trên các ấn phẩm báo chí; trang Thông tin điện tử của Cục TGPL, Bản tin Tư pháp và trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng như: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án Nhân dân các cấp thực hiện nghiêm việc niêm yết bảng thông báo TGPL miễn phí; đặt hộp tin, mẫu đơn yêu cầu TGPL, tờ gấp pháp luật cùng số điện thoại, địa chỉ của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh tại nơi đón tiếp công dân để người dân liên hệ khi có vụ việc thuộc diện được TGPL. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cung cấp 19 hộp tin, 18 bảng tin, 17 quyển sổ tiếp dân cho các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh. Đã tiếp nhận thực hiện TGPL 517 vụ việc cho 517 lượt người là dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo bà Lê Thị Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh thì việc chú trọng nâng cao chất lượng truyền thông nhất là đa dạng hóa các hình thức truyền thông; lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng, đặc thù từng vùng, trình độ dân trí của người dân đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của mình; tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.