Nâng cao chất lượng văn bản pháp luật

'Không để khoảng trống pháp luật làm ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể, doanh nghiệp liên quan', Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh nguyên tắc này tại buổi làm việc mới đây về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước đó, năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP đã tạo điều kiện thực hiện thuận lợi, thông suốt chính sách ưu đãi về thuế với sản phẩm được sản xuất từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; máy móc, trang thiết bị sử dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải tập trung.

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 08/2022/NĐ-CP được ban hành (hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2022) thay thế Nghị định 40/2019/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho rằng Nghị định chưa quy định cụ thể để xác định sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải; chưa rõ, chưa cụ thể về điều kiện của đối tượng được miễn thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải không được hưởng chính sách ưu đãi về thuế như trong Nghị định 40/2019/NĐ-CP.

Câu chuyện sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2022/NĐ-CP cho thấy khi soạn thảo Nghị định này, thì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã chưa được nhận thức, thực hiện tốt. Điều 6 của Luật này quy định việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phản biện xã hội với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật rất cụ thể. Đáng tiếc, khi văn bản dự thảo xin ý kiến, không Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào phát hiện ra vấn đề này và có ý kiến chính thức.

Và chính vì không phát hiện ra vấn đề trên, nên quy định đã không phù hợp thực tế, phải sửa quy định, khiến “tuổi thọ” của văn bản này rất thấp; chưa nói tới việc các cơ quan chức năng một lần nữa phải mất công sức.

Mới đây, tại phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội thứ 8, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ý kiến chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi. Một số quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo. Một số quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Trở lại với buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, từ nhận định những vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ về BVMT chủ yếu từ khâu xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn dưới luật (Nghị định, Thông tư); Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án thực hiện chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải từ thời điểm Nghị định 08/2022/NĐ-CP có hiệu lực, thống nhất với Luật BVMT, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu; hướng dẫn trình tự, thủ tục cho doanh nghiệp thực hiện. Sự việc này càng cho thấy, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật để không lỡ thời cơ phát triển chính là công việc cấp bách hiện nay.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nang-cao-chat-luong-van-ban-phap-luat-post529693.html