Nâng cao chất lượng vận tải bằng xe buýt: Cần giải pháp căn cơ, toàn diện

Mặc dù Hà Nội đã có nhiều đầu tư cho hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, song đến nay vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Nhất là khi dân số Thủ đô tăng lên, thì hệ thống xe buýt cần được cải thiện để đáp ứng nhu cầu người dân đồng thời hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân gây ô nhiễm môi trường…

Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng đang được nhiều người dân tin tưởng. Ảnh: Đức Quang.

Xe buýt là phương tiện giao thông công cộng đang được nhiều người dân tin tưởng. Ảnh: Đức Quang.

Còn nhiều điều cần khắc phục

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, gồm: 128 tuyến buýt trợ giá; 9 tuyến buýt không trợ giá; 13 tuyến buýt kế cận và 3 tuyến City tour. 128 tuyến buýt trợ giá do 11 đơn vị khai thác vận hành thực hiện, đặc biệt trong đó 127 tuyến lựa chọn theo hình thức đấu thầu và chỉ có 1 tuyến đặt hàng.

Toàn thành phố có 4.405 điểm dừng, nhà chờ xe buýt bao phủ 90% diện tích nội thành trong phạm vi 500m/điểm; ngoại thành là 1,1 điểm/km2. Tuy nhiên hệ thống nhà chờ xe buýt chỉ chiếm khoảng 8% tổng số hệ thống điểm đón, chủ yếu tập trung trong nội thành và đã xuống cấp. Đây là một trong những điểm yếu cần tập trung khắc phục.

Ngoài ra, thực tế cho thấy, nhiều khu vực có mật độ dân cư cao nhưng hành khách khó tiếp cận với dịch vụ xe buýt do cự ly đi bộ từ 500m – 1.000m, thậm chí có khu vực trên 1,5km như: Đường Chiến Thắng, Tân Triều, Triều Khúc, khu vực Phùng Khoang, Khương Trung, Khương Hạ, ngõ Văn Chương, Tôn Thất Tùng… Bên cạnh đó, hệ số trùng lặp các tuyến buýt trên một số tuyến đường còn cao. Ví dụ trục đường Nguyễn Trãi - Hà Đông có 9 tuyến trùng lặp; trục Giải Phóng - Ngọc Hồi có 14 tuyến trùng lặp; trục Long Biên - Nguyễn Văn Cừ có 13 tuyến trùng lặp; trục Cầu Giấy - Nhổn có 11 tuyến trùng lặp…

Cũng theo thống kế, hiện Hà Nội có 2.279 xe buýt, nhưng mới chỉ có 269 phương tiện sử dụng năng lượng sạch (điện và khí nén CNG); trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải EuroIV trở lên. Tuổi đời hoạt động bình quân của xe buýt Hà Nội là dưới 4 năm, 31% đã vận hành trên 5 năm.

Công bằng mà nói, hệ thống vận tải hành khách bằng xe buýt đã có nhiều thay đổi trong những năm qua, tạo được thiện cảm cho một bộ phận người dân. Nhiều tuyến buýt mới hình thành, rút ngắn khoảng cách địa lý, tạo thuận lợi cho người dân. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường, trong và sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng sử dụng nhiều xe cá nhân hơn… Điều đó khiến lượng khách của xe buýt sụt giảm.

Đứng trước những khó khăn đó, Sở GTVT Hà Nội đã có nhiều biện pháp chưa từng có tiền lệ để chặn đà giảm, kéo hành khách trở lại với xe buýt. Sau hàng loạt giải pháp cấp thời, sản lượng hành khách của xe buýt Hà Nội đã gia tăng, chất lượng dịch vụ được người dân đánh giá đã cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn nội tại và những áp lực rất lớn từ bên ngoài, khiến mạng lưới xe buýt Thủ đô chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Nhìn nhận về xu hướng sử dụng các phương tiện vận tải công cộng trong thời gian tới tại Hà Nội, một số chuyên gia giao thông cho rằng, cần đổi mới để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì sử dụng phương tiện cá nhân.

Điều này sẽ giúp Hà Nội giảm được tình trạng tắc nghẽn giao thông đồng thời sẽ giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường.

Xa hơn, TS Vũ Hồng Trường nhìn nhận, đến năm 2035 và lâu hơn nữa, xe buýt vẫn sẽ là chủ lực của hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Cần phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể thực hiện các giải pháp nhằm phát triển xe buýt.

Làm gì để “xanh hóa” xe buýt?

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã trình HĐND thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu "xe xanh" cho giao thông công cộng, trong đó 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025 và 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ 2030.

Từ thực tế của thành phố, Sở GTVT Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG. Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.072 xe - 1.807 xe và 1.694 xe; tổng chi phí đầu tư đến năm 2033 là 52.000 tỷ - 47.000 tỷ và 43.000 tỷ đồng.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất thực hiện theo kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG), khi điều kiện cho phép thì theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện).

Tại hội thảo bàn giải pháp phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thủ đô giai đoạn từ nay đến năm 2035 mới đây, PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT) nhìn nhận, xe buýt vẫn thiếu không gian lưu thông dành riêng, ảnh hưởng đến vận tốc và thời gian chuyến đi của xe buýt, khiến loại hình vận tải hành khách công cộng này còn kém hấp dẫn; hạ tầng dành cho xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí nén CNG còn thiếu trầm trọng…

Giới chuyên gia cho rằng, để xe buýt phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, làm tiền đề đề hạn chế phương tiện cá nhân, đồng thời hướng tới mục tiêu xanh hóa, thân thiện với môi trường, Hà Nội cần những giải pháp căn cơ, hiệu quả và toàn diện. Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học GTVT, với sự gia tăng nhu cầu đi lại của người dân đô thị, ngoài việc đáp ứng số lượng chuyến đi, cần nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người dân; đồng thời phải hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng sạch trong phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản phát triển cho xe buýt, trong đó tập trung vào các vấn đề như: rà soát, điều chỉnh mạng lưới tuyến buýt hiện tại nhằm giảm chồng chéo, trùng lặp, tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân.

Xây dựng bộ tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt làm cơ sở lựa chọn đơn vị cung ứng. “Hiện Hà Nội đã có bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên cần xây dựng bộ tiêu chuẩn về: phương tiện, nhân sự, hạ tầng, thông tin quản lý, điều hành… cho xe buýt” - ông Nguyễn Minh Hiếu nói.

Về vấn đề chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng sạch, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định: “Chuyển đổi sang phương tiện xanh là nhiệm vụ, là mục tiêu của xe buýt Hà Nội. Nhưng để làm được cần phải có lộ trình và chính sách phù hợp, đặc biệt có sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương”.

Trước mắt, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp nhanh chóng cải thiện hạ tầng của hệ thống xe buýt, trong đó đặc biệt cần tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt tại các tuyến đường có từ 4 làn xe/hướng, mặt cắt ngang từ trên 15m trở lên.

Hệ thống điểm dừng, nhà chờ của xe buýt cũng cần tái thiết lại theo hướng hình thành nhiều điểm trung chuyển lớn, kết nối xe buýt với đường sắt đô thị và các bến xe liên tỉnh.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nhấn mạnh giải pháp ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành mạng lưới xe buýt. Nhất là ứng dụng thẻ vé điện tử liên thông đa phương thức nhằm thuận tiện cho người dân, tăng cường công tác quản lý doanh thu từ xe buýt.

Ngoài ra, ngành GTVT Thủ đô cần xây dựng bộ quy chuẩn nghiệp vụ đối với lái xe và nhân viên bán vé, đưa thành nội dung đào tạo bắt buộc với tất cả lao động trong hệ thống xe buýt.

Hà Nội chưa tăng giá vé xe buýt
Trước thông tin từ ngày 1/7, Hà Nội sẽ tăng giá vé xe buýt, mới đây đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, thông tin này là không chính xác.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị này đã có tờ trình UBND TP Hà Nội đề xuất phương án tăng giá vé xe buýt. UBND TP Hà Nội đã xem xét, đánh giá đề xuất và giao Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện lại Tờ trình phương án giá vé xe buýt. Vì vậy, thông tin từ 1/7/2024 sẽ tăng giá vé xe buýt tại Hà Nội là không chính xác.
Theo Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, TP đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014.
Giai đoạn 2015 - 2019 đã trợ giá trung bình 1,371 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trợ giá trung bình 2.230 tỷ đồng/năm (riêng năm 2022 trợ giá là 2.991 tỷ đồng, dự kiến năm 2023 trợ giá 2.754 tỷ đồng).
Trong đó, ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể; miễn tiền vé với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Hiện hành khách sử dụng vé tháng chiếm trên 80% tổng lượng khách đi xe buýt ở Hà Nội, số lượng thẻ vé miễn phí tăng dần theo từng năm. Do vậy, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng phương án tăng giá vé xe buýt.

T.H

NGỌC LINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-cao-chat-luong-van-tai-bang-xe-buyt-can-giai-phap-can-co-toan-dien-10284417.html