Nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên trong khu vực phòng thủ
Thực hiện đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương trong khu vực phòng thủ đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐV theo hướng toàn diện kết hợp với tập trung, ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm nhằm tăng cường tính thiết thực, hiệu quả, bảo đảm sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) khi có yêu cầu.
Các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực nghiên cứu, tổ chức quán triệt và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Pháp lệnh Lực lượng DBĐV năm 1996 và Luật Lực lượng DBĐV năm 2019 đến mọi đối tượng, nhờ đó đã tạo được bước chuyển biến quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng DBĐV. Các chế độ đăng ký, quản lý nguồn DBĐV từng bước đi vào nền nếp. Hầu hết quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã được đăng ký, quản lý, bổ sung kịp thời. Kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV ở các cấp đã được xây dựng hoàn chỉnh và được phê chuẩn theo đúng quy định của pháp luật. Các địa phương đã làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị nhận nguồn tổ chức sắp xếp, bổ sung quân nhân dự bị vào các đơn vị DBĐV. Các địa phương, đơn vị trong cả nước đã huấn luyện được hàng trăm nghìn lượt quân nhân dự bị; tổ chức hàng trăm cuộc diễn tập khu vực phòng thủ có kết hợp với huy động các đơn vị DBĐV tham gia thực binh bắn chiến đấu...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng lực lượng DBĐV trong khu vực phòng thủ vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng về nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân, xây dựng lực lượng DBĐV ở một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Việc quán triệt và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các yêu cầu, nội dung của Pháp lệnh Lực lượng DBĐV (trước đây) và Luật Lực lượng DBĐV năm 2019 tới các đối tượng chưa đầy đủ nên một số bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐV như quy định của luật... Bên cạnh đó, nhiều quân nhân dự bị không có việc làm ổn định ở địa phương, phải làm ăn xa nơi cư trú nên việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn. Kinh phí bảo đảm cho huấn luyện còn hạn hẹp; cơ sở vật chất bảo đảm cho huấn luyện chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng huấn luyện còn hạn chế, trình độ SSCĐ có mặt chưa cao...
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng DBĐV, bảo đảm đủ về tổ chức, tỷ lệ quân số, trang bị vũ khí, được quản lý chặt chẽ, huấn luyện chu đáo, có trình độ sẵn sàng động viên, SSCĐ cao..., các cấp, ngành, địa phương và đơn vị DBĐV cần tiếp tục quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể quần chúng trong xây dựng lực lượng DBĐV ngày càng hùng hậu, đủ số lượng theo quy hoạch tổ chức lực lượng của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và có chất lượng tổng hợp cao; có bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ kỹ thuật, chiến thuật cao; được trang bị, bảo đảm vật chất, kỹ thuật phù hợp, luôn sẵn sàng động viên, SSCĐ.
Làm tốt công tác tạo nguồn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý nguồn DBDV. Tích cực triển khai công tác tạo nguồn DBĐV một cách đồng bộ, từ việc quy hoạch vùng động viên với địa bàn tuyển quân đến việc tuyển chọn đối tượng phù hợp, chú trọng đến các vùng, địa phương có khó khăn về nguồn. Trong tạo nguồn, cần tính toán cụ thể giữa nhu cầu và nguồn hiện có, từ đó đề xuất kế hoạch tạo nguồn cho hợp lý, bảo đảm địa bàn nào cũng có nguồn để đáp ứng yêu cầu xây dựng các đơn vị DBĐV theo chỉ tiêu được giao. Cần làm tốt công tác phối hợp giữa cơ quan quân sự địa phương với đơn vị thường trực và các cơ quan liên quan trong công tác đăng ký, quản lý nguồn DBĐV.
Trong tình hình mới, việc xây dựng các đơn vị DBĐV có số lượng đủ, chất lượng cao bảo đảm đủ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và binh chủng đòi hỏi yêu cầu rất cao. Vì vậy, sau khi có chỉ tiêu, kế hoạch được giao, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung kế hoạch xây dựng, huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV của đơn vị mình theo đúng quy định. Các địa phương giao nguồn cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận nguồn tiến hành sắp xếp quân nhân dự bị vào các đơn vị DBĐV đúng nguyên tắc, đúng tỷ lệ chuyên nghiệp quân sự theo quy định của luật. Chú trọng công tác quản lý các đơn vị DBĐV, định kỳ tổ chức kiểm tra, phúc tra nắm chắc số lượng, chất lượng quân nhân dự bị đã xếp vào các đơn vị DBĐV.
Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, kiểm tra SSCĐ của các đơn vị DBĐV. Hằng năm, căn cứ vào khả năng bảo đảm ngân sách, kinh phí huấn luyện và tình hình thực tế, các địa phương, đơn vị cần chủ động triển khai thực hiện kế hoạch huấn luyện, kiểm tra SSCĐ các đơn vị DBĐV, bảo đảm đủ quân số và đúng thời gian huấn luyện theo quy định. Tích cực đổi mới nội dung và phương pháp huấn luyện; coi trọng huấn luyện tập trung cho đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chủ chốt đã được sắp xếp vào các đơn vị DBĐV để nâng cao trình độ chỉ huy, điều hành, quản lý bộ đội. Thường xuyên tổ chức diễn tập động viên theo quy định, kết hợp diễn tập để rèn luyện đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan với thực hành huy động và tiếp nhận lực lượng DBĐV. Quá trình huấn luyện, hết sức coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị trong xây dựng và huy động lực lượng DBĐV. Thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ, chính sách, bảo vệ; đặc biệt cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Lực lượng DBĐV và các văn bản pháp luật khác về lĩnh vực quốc phòng, quân sự, làm cho mọi đối tượng hiểu rõ và tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao.