Nâng cao chất lượng xét nghiệm y học

Do vai trò quan trọng của lĩnh vực xét nghiệm y học trong công tác điều trị và phòng, chống bệnh tật nên những năm qua, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh và các chương trình, đề án, dự án quốc gia ngành y tế quan tâm đầu tư hệ thống máy móc, đào tạo cán bộ chuyên sâu trong lĩnh vực xét nghiệm. Đặc biệt, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lĩnh vực xét nghiệm y học đang ngày càng được quan tâm, nâng cao về chất lượng.

Cơ sở vật chất hiện đại

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện đã xây dựng được hệ thống 21 phòng xét nghiệm thuộc Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, đảm nhận các nhiệm vụ chính như xét nghiệm phát hiện nhanh phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống HIV/AIDS; xét nghiệm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; quan trắc môi trường lao động; kiểm nghiệm thực phẩm và khám sức khỏe phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn, các xét nghiệm y tế phục vụ chẩn đoán và điều trị.

Kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm hóa, lý thực hiện kỹ thuật xét nghiệm nước.

Kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm hóa, lý thực hiện kỹ thuật xét nghiệm nước.

Lĩnh vực xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn ISO 17025:2005 với 35 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực hóa lý, vi sinh. Thạc sỹ Lâm Thị Hậu, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng cho biết: Ngoài những trang - thiết bị được tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ của một số dự án cách đây nhiều năm như máy quang phổ hấp thu nguyên tử; máy xét nghiệm sinh, hóa, lý tự động; máy xét nghiệm huyết học; dàn máy Elisa… thì khoa đã được trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại khác như máy miễn dịch phục vụ tầm soát ung thư sớm; hệ thống sắc ký khí khối phổ, hệ thống sắc ký lỏng cao áp, phòng xét nghiệm PCR nhằm nâng cao công tác xét nghiệm thực phẩm, xét nghiệm nước và xét nghiệm hóa chất bảo vệ thực vật, xét nghiệm dịch bệnh…

“Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện các điều kiện về đào tạo con người, chuẩn hóa các phương pháp, mở rộng các chỉ tiêu ISO/IEC để phát huy tối đa hiệu quả máy móc” - Thạc sỹ Hậu nói.

Đóng góp tích cực cho khám, chữa và phòng, chống bệnh tật

Ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẳng định: Công tác khám, chữa bệnh không chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà còn căn cứ trên các xét nghiệm cận lâm sàng. Vì vậy, công tác xét nghiệm đóng vai trò then chốt, giúp cung cấp những thông tin cần thiết hỗ trợ việc chẩn đoán, hiệu quả điều trị và theo dõi sức khỏe người bệnh.

Hiện nay, Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có nhiều phòng được công nhận đạt an toàn sinh học cấp II, có phòng xét nghiệm sinh học phân tử (PCR); đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang - thiết bị theo quy định của Bộ Y tế; có đầy đủ chức năng để thực hiện các xét nghiệm về một số vi-rút gây bệnh phổ biến hiện nay như viêm gan A, B, C, E; dengue, sởi, rubella, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… phục vụ nhu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh chuyên sâu hơn; đảm bảo an toàn sinh học và bảo vệ an toàn cho kỹ thuật viên, hạn chế lây lan các tác nhân nguy hại ra cộng đồng.

Đơn cử, trong công tác phòng, chống bệnh lao, trong số hơn 4.000 người nghi mắc lao trên địa bàn tỉnh được khám sàng lọc trong năm 2018, có gần 200 bệnh nhân lao phổi được phát hiện nhờ bằng chứng vi khuẩn học. Việc phát hiện sớm vi khuẩn lao nhờ kết quả xét nghiệm giúp điều trị sớm cho bệnh nhân và giúp công tác quản lý phòng, bệnh để khống chế sự lây lan, gia tăng bệnh lao, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 thanh toán bệnh lao.

Hằng năm, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng còn xét nghiệm hàng nghìn mẫu công thức máu, xét nghiệm đường huyết, đường niệu, các mẫu viêm gan A, viêm gan C, HIV, giang mai, đo độ loãng xương hoặc các mẫu bệnh phẩm như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sốt phát ban nghi sởi, rubella… Bên cạnh đó, khoa còn lấy và gửi những mẫu bệnh phẩm đối với các mẫu giám sát, mẫu đối chiếu kết quả và các mẫu thực hiện ở phòng an toàn sinh học cấp 3 về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nếu có, như mẫu nghi cúm đại dịch, mẫu ho gà, mẫu viêm não Nhật Bản…

Đội ngũ cán bộ yêu nghề

Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện có 22 cán bộ, trong đó có 1 thạc sỹ, 1 bác sỹ chuyên khoa I, 2 cử nhân sinh học và 18 kỹ thuật viên. Thạc sỹ, bác sỹ Lâm Thị Hậu, Trưởng khoa đã có 9 năm gắn bó với công tác xét nghiệm ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tâm sự: Người làm công tác xét nghiệm ngoài những đức tính cần có của cán bộ y tế thì rất cần sự tỉ mỉ, cẩn thận, trung thực và có tinh thần tự học, nghiên cứu khoa học, bởi đây là ngành kỹ thuật y học hiện đại, ứng dụng máy móc, thiết bị để phân tích mẫu.

Trên thực tế, những cán bộ làm trong lĩnh vực xét nghiệm y học phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm bởi các tác nhân gây bệnh, do đó họ cần tuân thủ an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm để ngăn ngừa phơi nhiễm, tránh thất thoát tác nhân gây bệnh và độc tố. Gắn bó với công việc bằng tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, hơn ai hết, những cán bộ xét nghiệm hiểu được ý nghĩa to lớn trong công việc của mình. Như lời tâm sự của chị Đặng Thị Phương Thảo, kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm hóa, lý với chúng tôi: “8 năm trong nghề, tôi ngày càng yêu nghề hơn bởi mỗi kết quả của chúng tôi chính là chìa khóa, bằng chứng chính xác phản ánh tình trạng của người bệnh để bác sỹ có phương pháp điều trị tối ưu, giúp người bệnh mau bình phục”.

Với những chuẩn hóa trong quy trình kỹ thuật xét nghiệm, cơ sở vật chất và những nỗ lực của các cán bộ, kỹ thuật viên, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ngày càng khẳng định năng lực và độ tin cậy trong kết quả xét nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.

Phương Thảo

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/nang-cao-chat-luong-xet-nghiem-y-hoc-z5n20190913080234208.htm