Nâng cao chuyên môn cho y, bác sĩ

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng gắn với các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đang được Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh chú trọng.Cứu sống bệnh nhân đột quỵ

Đầu tháng 6 vừa qua, bệnh nhân Đ.M.H (29 tuổi) được đưa vào cấp cứu tại BVĐK tỉnh với triệu chứng đột ngột không nói được sau thời gian dài làm việc ngoài nắng nóng. Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh viện đã kích hoạt tổ cấp cứu thuộc đơn vị đột quỵ để cấp cứu cho bệnh nhân. Qua các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bị nhồi máu não giờ thứ 4, 5 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Để kịp thời cứu sống bệnh nhân, và tránh được di chứng tàn tật, sau khi hội chẩn, bác sĩ đã tiến hành tiêm thuốc tiêu sợi huyết để tái thông mạch máu não bị tắc. Đây là kỹ thuật được triển khai thường quy tại bệnh viện từ năm 2021 đến nay.

Bệnh nhân Đ.M.H khỏe mạnh trở lại sau ca đột quỵ não nhờ đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Bệnh nhân Đ.M.H khỏe mạnh trở lại sau ca đột quỵ não nhờ đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Áp dụng hiệu quả kỹ thuật tiêu sợi huyết để cứu sống hàng trăm bệnh nhân đột quỵ mỗi năm, nên quý IV/2023 và quý I/2024, BVĐK tỉnh liên tục được Hội Đột quỵ thế giới trao Chứng nhận vàng (Gold Status W.S.O award). Đây là giải thưởng mà Hội Đột quỵ thế giới trao tặng cho những đơn vị, trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc bệnh nhân đột quỵ xuất sắc trên toàn thế giới.

Để triển khai hiệu quả kỹ thuật này, từ năm 2020, BVĐK tỉnh đã cử các bác sĩ đi đào tạo, bồi dưỡng tại Bệnh viện Nhân dân 115 ở TP.Hồ Chí Minh và Bệnh viện 103 ở TP.Hà Nội. Năm 2024, BVĐK tỉnh tiếp tục cử bác sĩ đi bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn kỹ thuật tiêu sợi huyết tại bệnh viện tuyến trên. Đây là nỗ lực nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của bác sĩ của BVĐK tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khi bệnh đột quỵ ngày càng trở nên phổ biến và có xu hướng trẻ hóa.

Nắm vững kỹ thuật chuyên sâu

Nhằm tăng cường năng lực khám, chữa bệnh tại chỗ, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng cần hồi sức cấp cứu, từ năm 2022 đến nay, mỗi năm, BVĐK tỉnh đều cử bác sĩ đi đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật hỗ trợ hô hấp tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO), hạ thân nhiệt và các kỹ thuật cao khác tại các bệnh viện tuyến trung ương. Đặc biệt, đối với kỹ thuật ECMO, BVĐK tỉnh đã có 4 bác sĩ, 3 điều dưỡng được cử đi đào tạo tại bệnh viện tuyến trên. Qua đó, được các chuyên gia y tế đầu ngành dày dạn kinh nghiệm về kỹ thuật này đào tạo chuyển giao bài bản, kỹ lưỡng để triển khai kết hợp thực hiện tốt mọi quy trình vận hành, đảm bảo hệ thống ECMO hoạt động chính xác tuyệt đối, an toàn cho người bệnh.

Đội ngũ y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã được đào tạo kỹ thuật ECMO.

Đội ngũ y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã được đào tạo kỹ thuật ECMO.

“ECMO là phương pháp thay thế chức năng của phổi và tim để hỗ trợ sự sống cho những bệnh nhân được xác định có tổn thương nặng do suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp. Đây là kỹ thuật chuyên sâu nhất trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Vì vậy, để thực hiện được, cần một đội ngũ gồm bác sĩ và điều dưỡng được đào tạo bài bản để vận hành được kỹ thuật hiện đại, phức tạp. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn, bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận và thực hiện ECMO cho người bệnh. Nhờ đó, từ cuối năm 2023, kỹ thuật này đã được triển khai tại bệnh viện, tăng hiệu quả và chất lượng điều trị bệnh nhân, giúp cứu sống được các ca bệnh nguy kịch”, bác sĩ Trần Khắc Vĩnh - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (BVĐK tỉnh), cho biết.

Theo kế hoạch, năm 2024, BVĐK tỉnh triển khai 13 kỹ thuật mới, gồm: Bơm thuốc, hóa chất nội bàng quang; lọc máu hấp phụ; can thiệp mạch chi; tìm yếu tố kháng đông đường nội sinh... Ngoài việc cử bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... đi đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến các kỹ thuật mới, BVĐK tỉnh tiếp tục cử gần 40 bác sĩ, điều dưỡng... đào tạo các kiến thức liên quan đến kỹ thuật đã triển khai trước đó. Chẳng hạn như kỹ thuật tim mạch can thiệp mạch vành, tán sỏi thận qua da, tiêu sợi huyết, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO)...

Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh, Ban giám đốc bệnh viện luôn xác định việc triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại vào chẩn đoán và điều trị cho người bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh một cách bền vững. Trong đó, để triển khai hiệu quả các kỹ thuật, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ là nhiệm vụ xuyên suốt. Vì vậy, hằng năm, bệnh viện luôn xây dựng kế hoạch triển khai các kỹ thuật mới gắn với kế hoạch đào tạo ở các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế... Cùng với đó, bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ, gắn với các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã triển khai trước đó.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/suc-khoe/202406/nang-cao-chuyen-mon-cho-y-bac-si-b6a1b77/