Nâng cao đời sống đồng bào miền núi từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Đi lên từ xuất phát điểm thấp của một huyện miền núi có nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân, đến nay, 30/30 xã của huyện Ba Vì đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình đã góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế- xã hội cho vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô.

Huyện Ba Vì sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới đã thực sự "thay da đổi thịt". Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Huyện Ba Vì sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới đã thực sự "thay da đổi thịt". Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nông thôn mới góp phần "thay da đổi thịt" mọi mặt của khu vực nông thôn

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện Ba Vì thiếu đồng bộ, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng nhỏ lẻ manh mún. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn khi thu nhập bình quân/người chỉ đạt 21,7 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao, chiếm 15,1%.

Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo một luồng sinh khí mới, làm "thay da đổi thịt" mọi mặt của khu vực nông thôn một cách toàn diện, trọn vẹn. Huyện Ba Vì đã có 30/30 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới và được đoàn thẩm định Trung ương tổ chức thẩm định hồ sơ công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Huyện cũng bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, tính đến hết năm 2022, toàn huyện có 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Phú Phương, Tản Hồng, Sơn Đà và Vạn Thắng). Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Phú Đông, Phong Vân, Minh Quang và Đông Quang ) và xã Tản Hồng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về phát triển kinh tế nông thôn, trên địa bàn huyện có 118 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động (trong đó có 97 hợp tác xã nông nghiệp, 2 hợp tác xã công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, 17 hợp tác xã dịch vụ khác, 2 quỹ tín dụng nhân dân) và 184 trang trại. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình sản xuất lúa Vietgap 40 ha tại các xã Phú Đông, Đông Quang, Minh Quang, Phong Vân bằng giống VNR20. Bên cạnh đó, còn có mô hình lúa cá, với diện tích 2 ha tại xã Vạn Thắng.

Chính nhờ vậy, đời sống nông dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được người dân nắm bắt và thực hiện tốt.

Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp, là huyện thuộc vùng bán sơn địa với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là một nhiệm vụ trọng tâm luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong thời gian qua, cùng với sự cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương các xã miền núi đã thực hiện kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, nổi bật là về mức thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2022 đạt 52 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo khu vực 7 xã miền núi năm 2022 xuống còn 0,94% (với 177 hộ nghèo).

Về phát triển kinh tế, làng nghề huyện luôn quan tâm chỉ đạo tập trung tuyên truyền về ý nghĩa nội dung chương trình mỗi xã một sản phẩm; chỉ đạo tích cực rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương lập hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm OCCOP.

Đến nay, huyện Ba Vì có 138 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (riêng khu vực 7 xã miền núi chiếm 70% tổng số các sản phẩm được công nhận OCOP). Hiện nay trên địa bàn huyện có 20 làng nghề được thành phố công nhận trong đó khu vực miền núi có 16 làng nghề đạt 80% số làng nghề của toàn huyện. Các làng nghề chủ yếu từ sữa, chè, chế biến thuốc nam, đặc biệt năm 2021 UBND thành phố đã công nhận làng nghề hoa mai trắng thôn An Hòa, xã Tản Lĩnh đã đem lại giá trị kinh tế cao. Qua đó tạo nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Theo ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch huyện Ba Vì, nhờ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nên công tác y tế - dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện Ba Vì cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Công tác chăm sóc sức khỏe, đầu tư cơ sở, trang thiết bị khám, chữa bệnh vùng đồng bào được triển khai tích cực, 100% xã miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế, có trạm y tế với đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Các chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào miền núi được được nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai và 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, về công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ được huyện Ba Vì triển khai kịp thời tới cơ sở để tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền phổ biến Luật Bình đẳng giới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên các nội dung như công tác tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

"Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn huyện Ba Vì đã giúp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm y tế… Đồng thời, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng núi so với bình quân chung của huyện", ông Nguyễn Đức Anh cho biết thêm.

Những cung đường bích họa đẹp như thơ tại huyện Ba Vì. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Những cung đường bích họa đẹp như thơ tại huyện Ba Vì. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Giữ vững tiêu chí của xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa khai thác hết được lợi thế về tiềm năng của vùng. Chương trình giảm nghèo chưa bền vững, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đời sống của nhân dân tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện.

Công tác triển khai phát triển sản xuất theo quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi đã từng bước được thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn nhất là chuyển đổi sang trang trại chăn nuôi; chưa nhân rộng được các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; chưa ứng dụng được nhiều công nghệ cao vào sản xuất... Tình trạng một số diện tích nhân dân không canh tác ngày càng tăng, nhất là vụ đông; ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn còn xảy ra, nhất là trong khu dân cư ảnh hưởng đến chất lượng sống của nhân dân.

Vì vậy, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, từ nay đến cuối năm, huyện Ba Vì sẽ tập trung chỉ đạo nhân dân triển khai kế hoạch sản xuất, hỗ trợ giống vụ mùa và vụ đồng, đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, cây màu đạt kết quả tốt. Duy trì đàn gia cầm thịt, trứng ở các xã vùng đồi gò, núi; phát triển đàn bò thịt, bò sữa ở các xã ven sông, vùng núi. Khuyến khích tái đàn lợn tại các hộ chăn nuôi đã có chuồng trại để phát triển đàn lợn theo hướng an toàn sinh học.

Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng và giữ vững tiêu chí của xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đảm bảo hiệu quả. Đối với các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, cần tiếp tục đôn đốc các xã thuộc kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch được duyệt. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí và hồ sơ xã nông thôn mới nâng cao (Phong Vân, Phú Đông, Đông Quang, Minh quang) và nông thôn mới kiểu mẫu (Tản Hồng) trình Thành phố thẩm định, xét công nhận trước tháng 12/2023.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, thời gian qua huyện Ba Vì đã rất tích cực và đạt được nhiều kết quả, với những chuyển biến rõ rệt trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Những nỗ lực, phấn đấu đó đã được ghi nhận, ngày 27/5 vừa qua, đoàn thẩm định Trung ương đã tổ chức khảo sát và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nang-cao-doi-song-dong-bao-mien-nui-tu-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-102230724181752774.htm