Nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới

ĐBP - Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh triển khai nhiều chương trình hành động, mô hình sản xuất giúp nhân dân các dân tộc khu vực biên giới (KVBG) phát triển kinh tế. Hầu hết các mô hình đã mang lại hiệu quả, giúp người dân thay đổi nhận thức, cách làm trong sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, đời sống đồng bào các dân tộc KVBG từng bước được cải thiện, lòng tin đối với Ðảng, Nhà nước, BÐBP ngày càng nâng cao.

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Na Cô Sa cùng người dân bản Huổi Thủng 1 (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) san nền làm nhà cho hộ nghèo trong bản.

BÐBP tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia dài 455,573km với 2 tuyến biên giới (Việt Nam - Trung Quốc dài 40,861km; Việt Nam - Lào dài 414,712km). Ðịa bàn 29 xã biên giới thuộc 4 huyện (Ðiện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé), gồm 300 thôn, bản và 3 cụm dân cư với 25.801 hộ, 124.730 khẩu thuộc 16 dân tộc.

Ðối với khu vực miền núi, biên giới nói chung, khu vực biên giới tỉnh ta nói riêng, Ðảng, Nhà nước, Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội. Ðiển hình là Nghị quyết số 80/NQ-CP, ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011 - 2020; Ðề án 79; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; Chương trình 135/CP; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết 03/NQ-TU ngày 18/11/2011 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020... Căn cứ mục tiêu, nội dung các chương trình, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các huyện, xã biên giới đề ra các chủ trương giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả.

Một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng là BÐBP tỉnh đã cử 29 đội công tác với trên 50 lượt cán bộ tăng cường cho các xã biên giới. Bên cạnh việc tư vấn, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, cán bộ, chiến sĩ còn tích cực giúp dân phát triển kinh tế. BÐBP bám cơ sở tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân mở rộng diện tích khai hoang, phục hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; thâm canh tăng vụ; tích cực tham gia vào các mô hình trình diễn; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất... Phát huy hiệu quả các đội công tác cơ sở, từ năm 2014, Ðảng ủy, Bộ chỉ huy BÐBP tỉnh phân công mỗi đồn biên phòng giúp 1 bản triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, có 17 đồn triển khai hiệu quả kế hoạch giúp dân phát triển kinh tế. Ðiển hình là Ðồn Biên phòng Sen Thượng, sau nhiều năm nỗ lực đã triển khai thành công mô hình phát triển lúa nước trên địa bàn xã.

Thiếu tá Vũ Văn Tiếp, Chính trị viên Ðồn biên phòng Sen Thượng cho biết: Từ năm 2009 trở về trước, người dân trên địa bàn xã chưa biết sản xuất lúa nước, tỷ lệ nghèo, đói rất cao. Ðể hướng dẫn người dân chuyển đổi từ canh tác lúa nương sang sản xuất lúa nước là rất khó khăn bởi canh tác lúa nương tuy có sản lượng thấp (bình quân trên dưới 20 tạ/ha) nhưng là tập quán canh tác lâu năm của người dân địa phương. Giai đoạn đầu, khi lãnh đạo, chỉ huy Ðồn cử cán bộ, chiến sĩ vận động một số hộ dân trên địa bàn thí điểm cấy lúa nước hai vụ, họ đều từ chối với lý do: Không quen, khó làm, mất nhiều công sức... Không bỏ cuộc, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé tiếp tục kiên trì tuyên truyền, vận động. Trong 2 năm 2009 - 2010, Ðồn tổ chức 3 đợt tham quan một số vùng trong và ngoài huyện đã và đang sản xuất lúa nước hiệu quả, có địa hình tự nhiên tương tự địa bàn. Ðồng thời triển khai mô hình trồng lúa nước đối với gia đình ông Cháng Chế Lòng, bản Sen Thượng; vụ đầu thí điểm (đông xuân năm 2011) sản lượng đạt 40 tạ/ha. Thấy hiệu quả rõ rệt, đến năm 2013 bản Sen Thượng đã có 11 hộ đăng ký khai hoang ruộng nước để cấy lúa hai vụ. Hiện nay, toàn bộ các bản người Hà Nhì ở Sen Thượng đều có ruộng nước cấy lúa hai vụ; nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ cấy lúa nước.

Bên cạnh việc tư vấn, hỗ trợ cho cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, hàng năm BÐBP tỉnh còn hỗ trợ hàng nghìn ngày công lao động giúp nhân dân địa bàn biên giới trên mọi lĩnh vực đời sống. Năm 2020, cán bộ, chiến sĩ BÐBP tỉnh đã tổ chức 4.994 ngày công giúp dân lao động sản xuất; huy động 649 lượt cán bộ, chiến sĩ với 948 công tham gia giúp dân phòng, chống cháy rừng. Ðặc biệt là đóng góp 6.900 ngày công vận chuyển nguyên vật liệu, san nền với 1.150 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng 139 ngôi nhà tặng người nghèo trên địa bàn huyện Mường Nhé và Nậm Pồ. Từ đầu năm 2021 đến nay, cán bộ, chiến sĩ BÐBP tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân khu vực biên giới 985 ngày công tu sửa, làm mới 71km đường giao thông nông thôn; nạo vét, tu sửa 2km kênh mương thủy lợi; thu hoạch 6ha hoa màu.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/quoc-phong/186786/nang-cao-doi-song-nhan-dan-khu-vuc-bien-gioi