Nâng cao giá trị cây dừa, thúc đẩy kinh tế địa phương

Giá trái dừa khô ở các tỉnh ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng đang 'lập đỉnh' với hơn 200.000 đồng/chục. Bến Tre là 'thủ phủ dừa' của miền Tây và cả nước, cây dừa trở thành cây công nghiệp chủ lực đa giá trị của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Cây thoát nghèo

Về xứ dừa Bến Tre những ngày này, từ đường làng đến chợ, vào đến quán cà phê, đâu đâu người dân cũng bàn về giá dừa. “Sinh ra ở xứ dừa, cuộc sống gắn với cây dừa đã gần 70 năm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy giá dừa nhảy múa, cao ngút như hiện nay”, ông Trần Văn Luông (Tư Luông, xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam) khoe.

Lão nông Tư Luông kể, ở vùng đất này, một năm có 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn, nếu không trồng dừa thì không thể trồng cây khác. Dù chẳng ai được gọi là tỷ phú dừa nhưng cây dừa đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.

 Chị Nguyễn Thị Phối (ngụ xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) với công việc chế biến dừa, giúp cải thiện đời sống kinh tế gia đình

Chị Nguyễn Thị Phối (ngụ xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) với công việc chế biến dừa, giúp cải thiện đời sống kinh tế gia đình

Ông Trần Văn Đạt, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Định Thủy, chia sẻ, cây dừa được ví là “cây thoát nghèo”, bởi cho thu nhập khá ổn định. Tuy chưa thể gọi là giàu, nhưng tham gia vào chuỗi sản xuất dừa hữu cơ tại HTX như ông Tư Luông sẽ được bao tiêu sản xuất, giá mua luôn cao hơn thị trường, đảm bảo hội viên có đời sống tốt hơn.

Ông Đạt cho biết, HTX từ khi thành lập cho đến nay đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Do diện tích dừa hữu cơ của HTX trên 530ha nên mỗi công đoạn từ lột vỏ dừa, nghiền vỏ... cần nhiều nhân công. Là nhân công lột vỏ dừa tại HTX Nông nghiệp Định Thủy, chị Trần Thị Phấn tâm sự, nếu trước đây, đời sống kinh tế gia đình còn thiếu trước hụt sau, thì nay với mức thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tuần đủ lo cho gia đình, con cái.

Cây công nghiệp chủ lực

Ở huyện Mỏ Cày Nam, hỏi nhà ông Bảy Dừa (ông Nguyễn Văn Lùng, ngụ xã Định Thủy), ai cũng biết. Ông Bảy là người tiên phong tham gia mô hình dừa hữu cơ của HTX, có liên kết tiêu thụ với Công ty dừa Lương Quới. Vườn dừa của ông rộng trên chục công, xen lẫn những gốc dừa lão là những cây dừa được trồng gần 3 năm tuổi. Nói về bí quyết canh tác dừa hữu cơ, ông Bảy cho biết, dùng phân ủ mục từ lá dừa khô với bùn non, một năm bón 1 lần, tùy điều kiện bón nhiều hơn. Như vậy không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn làm cho đất tơi xốp, dừa sai, to trái.

“Tham gia chuỗi sản xuất dừa hữu cơ không chỉ giá mua luôn cao hơn giá thị trường mà còn ổn định đầu ra. Nhờ vậy, nguồn nguyên liệu ổn định, doanh nghiệp chủ động sản xuất, chế biến phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu, vừa giúp cho nông dân ổn định thu nhập”, ông Bảy nhìn nhận. Giám đốc HTX Nông nghiệp Định Thủy Trần Văn Đạt cho hay, so với canh tác dừa truyền thống thì mô hình dừa hữu cơ đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng này.

“Từ khi HTX sản xuất theo mô hình hữu cơ, được công ty hỗ trợ kỹ thuật rồi bao tiêu đầu ra, nguồn nguyên liệu ổn định. Mỗi tuần HTX cung ứng cho công ty khoảng 150.000 trái, giúp doanh nghiệp chủ động trong khâu chế biến, gia tăng giá trị, đời sống hội viên được khấm khá”, ông Đạt nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác, 28 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa có quy mô 6.404ha, với gần 7.000 thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ chiếm 22% tổng diện tích dừa toàn tỉnh; tỉnh đồng thời xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, tỉnh xác định cây dừa là một trong những cây công nghiệp chủ lực, luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu dừa của tỉnh năm 2024 đạt hơn 451 triệu USD, tăng 14,43% so với năm trước đó, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giữ vị trí thứ hai sau ngành dệt may, giày da.

Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ lớn nhất nước, với diện tích trên 20.000ha, có 133 mã vùng trồng xuất khẩu. Hiện Bến Tre có hơn 40 sản phẩm dừa được xuất khẩu sang 100 quốc gia, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu... Địa phương đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa: hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật; xây dựng các HTX để mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến; hỗ trợ vay vốn ưu đãi...

TÍN HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-cao-gia-tri-cay-dua-thuc-day-kinh-te-dia-phuong-post792870.html