Bỏ quy định thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bỏ quy định thi nâng ngạch đối với cán bộ, công chức, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch.
Ngày 28-4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 Chương, 52 Điều (giảm 35 Điều so với Luật hiện hành).
Về việc liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết dự thảo Luật hoàn thiện các quy định nhằm thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã; quy định chuyển tiếp để cán bộ, công chức cấp xã được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, thì được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định của Luật này.
Về cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ, công chức theo hướng minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính, dự thảo Luật chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, quy định rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và năng lực, kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm được giao đảm nhiệm theo năng lực, kết quả thực thi nhiệm vụ.
Cùng với đó, đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả đánh giá, sử dụng và sàng lọc cán bộ, công chức, trong đó quy định việc đánh giá cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm công việc cụ thể theo yêu cầu của vị trí việc làm đang đảm nhiệm, thay vì dựa trên các tiêu chí chung, hình thức hay cảm tính; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức với các lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ; tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định tán thành với những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật để bảo đảm sự liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã.
Đồng thời, tán thành việc giữ nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là "kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế", để bảo đảm tính ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức trong điều kiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đề nghị, tiếp tục hoàn thiện quy định về vị trí việc làm, ngạch công chức để làm căn cứ đổi mới quản lý cán bộ, công chức trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch QH cũng nêu rõ cơ bản tán thành việc quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về chính sách thu hút đối với người có tài năng vào làm việc trong cơ quan nhà nước và trọng dụng đối với cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực nổi trội trong hoạt động công vụ.
Quy định khái quát ở luật và giao Chính phủ quy định khung chính sách để bảo đảm linh hoạt trong thực hiện; nhất trí bổ sung quy định về việc thực hiện ký hợp đồng lao động có thời gian với chuyên gia, nhà khoa học, đáp ứng yêu cầu để thực hiện một số vị trí việc làm của công chức.
Ngoài ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải trình rõ hơn trong dự thảo Luật và Tờ trình về quy định đánh giá, xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức.