Nâng cao giá trị cây quế, hồi ở Tràng Định: Chuyển biến từ một nghị quyết
Ngày 18/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tràng Định ban hành Nghị quyết số 37-NQ/HU ngày 18/6/2021 về xây dựng chuỗi liên kết nâng cao giá trị cây quế, hồi giai đoạn 2021 – 2030 (Nghị quyết số 37). Qua 2 năm thực hiện, nghị quyết đã mang lại những chuyển biến tích cực, phát triển, nâng cao giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện.
Tràng Định là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh, cách thành phố Lạng Sơn 67 km theo đường Quốc lộ 4A, là đầu mối của các tuyến giao thông sang Trung Quốc. Nhận thấy quế, hồi là hai loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nhu cầu thị trường lớn nhất nên được người dân quan tâm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển vùng trồng quế, hồi gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây quế, hồi trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, giá cả, thị trường tiêu thụ thiếu sự ổn định. Trước thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 37 đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển, nâng cao giá trị cây quế, hồi trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Nghị quyết số 37 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây quế, hồi giai đoạn 2021 – 2030 trên cơ sở phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, bền vững của chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm quế, hồi đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và yêu cầu, tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau khi Nghị quyết số 37 được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Tràng Định đã chỉ đạo quán triệt, triển khai học tập nghị quyết trong toàn Đảng bộ huyện. Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh: Để Nghị quyết số 37 nhanh chóng đi vào cuộc sống, năm 2021 huyện ủy đã tổ chức hội nghị báo cáo viên mở rộng để quán triệt nội dung nghị quyết đến các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo các chi, đảng bộ, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung nghị quyết. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn thực hiện Nghị quyết số 37 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Qua hơn 2 năm thực hiện nghị quyết đã nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây quế, hồi trên địa bàn huyện.
Theo đó công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện tổ chức được trên 300 cuộc tuyên truyền, lồng ghép về Nghị quyết số 37 qua các chương trình tập huấn về quy trình, kiến thức khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm quế, hồi cho trên l7.000 lượt người tham gia. Ông Nguyễn Viết Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định kể: Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng hồi, trám đen, keo, bạch đàn. Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 37, cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã và các tổ chức hội đoàn thể đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến 9/9 thôn, bản; rà soát diện tích đất rừng nghèo kiệt để phát triển cây quế. Người dân nhận thức được giá trị của cây quế, hồi đã dần chuyển sang trồng các loại cây chủ lực này, từ 120 ha năm 2021 đến nay đã tăng lên 200 ha, có hộ còn phát triển vườn ươm để cung cấp giống cho bà con trong xã, huyện và các tỉnh lân cận.
Từ việc thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đã tạo những chuyển biến về nhận thức, vai trò, ý thức trách nhiệm của các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong việc vận dụng, thực hiện các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách có liên quan để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị cây quế, hồi. Qua đó, người dân đổi mới tư duy, hướng tới sản xuất quế, hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ, sạch, an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội. Bước đầu huyện đã hình thành vùng sản xuất quế, hồi tập trung, quy mô lớn; người dân đã có ý thức ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần xây dựng chuỗi giá trị nông lâm sản bền vững.
Một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 37 đến năm 2030: Diện tích trồng quế 6.000 ha; sản lượng ước đạt 800 tấn vỏ quế khô; diện tích trồng hồi 4.000 ha, thực hiện trồng mới thay thế khoảng 500 ha rừng hồi; sản lượng khoảng 500 tấn; duy trì chuỗi liên kết sản xuất quế, hồi từ cung ứng giống đến sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và tăng giá trị các sản phẩm từ quế, hồi; đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và yêu cầu tiêu chuẩn xuất khẩu
Tăng sản lượng, giá trị
Nếu như đầu năm 2021, toàn xã Kim Đồng chỉ có khoảng 800 ha hồi và quế thì đến hết năm 2023, diện tích này đã tăng lên khoảng 1.300 ha và trở thành một trong những xã trồng hồi và quế nhiều nhất trên địa bàn huyện. Ông Hoàng Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy xã Kim Đồng cho biết: Theo Nghị quyết số 37, mỗi năm xã được giao trồng thêm 70 ha. Để thực hiện được chỉ tiêu đó, Đảng ủy xã đã quyết liệt chỉ đạo tuyên truyền, vận động các hộ dân phát triển rừng quế, hồi và phối hợp với chuỗi liên kết quế hồi để cung ứng giống, phân bón cho các hộ nghèo và tập huấn kỹ thuật cho bà con nhân dân. Đến nay, toàn xã có 703 hộ dân thì có hơn 200 hộ trồng hồi, hơn 600 hộ trồng quế với tổng diện tích hơn 1.000 ha quế, gần 300 ha hồi (bình quân mỗi năm trồng mới hơn 110 ha, vượt chỉ tiêu huyện giao). Ngoài ra, xã còn phát triển được 10 cơ sở vườn ươm, cung ứng cho thị trường hơn 7 triệu cây giống/năm.
Không chỉ xã Kim Đồng, diện tích, chất lượng trồng cây quế, hồi trên địa bàn huyện tăng dần qua từng năm. Đến nay, diện tích cây quế của huyện đạt trên 6.800 ha (tăng hơn 2.000 ha so với năm 2021, đạt 136% so với mục tiêu Nghị quyết số 37 đề ra đến năm 2025); diện tích cây hồi là 2.500 ha (đạt 84% mục tiêu Nghị quyết số 37 đề ra đến năm 2025). Nổi bật sản lượng thu hoạch cây quế, hồi tăng dần qua từng năm. Đơn cử, năm 2023, toàn huyện khai thác được 781 tấn vỏ quế khô (tăng 517 tấn so với năm 2021); 506 tấn hồi khô (tăng 238 tấn so với năm 2021). Tổng giá trị kinh tế ngành nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 của huyện Tràng Định đạt hơn 1.688 tỷ đồng, trong đó giá trị kinh tế từ cây quế và hồi đạt trên 130 tỷ đồng.
Cùng đó, huyện đã chỉ đạo xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia để hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết quế, hồi. Đến nay, huyện đang triển khai xây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất quế, với quy mô gần 180 ha; 2 chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi, với quy mô hơn 330ha.
Bên cạnh đầu tư trồng và khai thác cây quế, hồi, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tiếp tục định hướng người dân phát triển các vườn ươm cây giống. Đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 20 cơ sở ươm cây giống quế, hồi cung cấp khoảng hơn 20 triệu cây giống cho nhân dân trên địa bàn huyện và các tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh. Ông Ma Văn Dương, thôn Nà Chùa, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định kể: Nhận thấy nhu cầu của người dân về giống cây quế, hồi, năm 2020 gia đình tôi phát triển mô hình vườn ươm trên diện tích 4 mẫu. Khi trên địa bàn huyện phát triển chuỗi liên kết, giá trị cây quế, hồi được nâng cao thì nhu cầu cây giống của bà con ngày càng tăng. Đến nay, vườn ươm của gia đình tôi mở rộng lên 7 mẫu, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 300.000 cây giống, tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế trên cho thấy từ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Nghị quyết số 37 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra thay đổi, chuyển biến tích cực trong phát triển, nâng cao giá trị cây quế, hồi trên địa bàn huyện Tràng Định. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân.