Nâng cao giá trị chăn nuôi nhờ sử dụng đệm lót sinh học
Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nhiều nông dân trong tỉnh.
Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nhiều nông dân trong tỉnh.
Gia đình ông Trần Tiến Bốn, thôn Kim Đức, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) là hộ chăn nuôi lâu năm với trang trại nuôi gà rộng 1 ha. Những năm qua, nhờ sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi nên đàn gà của anh Bốn ít bệnh, luôn khỏe mạnh. Theo anh Bốn, khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, phân gà thường bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nên ảnh hưởng đến những hộ dân sống gần trang trại, còn đàn gà hay bị bệnh, chậm lớn. Trước thực tế đó, anh Bốn đã lên mạng tìm hiểu về đệm lót sinh học, rồi tham quan mô hình chăn nuôi thực tế tại Ba Vì (Hà Nội). Nhận thấy hiệu quả, năm 2018, anh quyết định áp dụng, đưa đệm lót sinh học vào chăn nuôi gà.
"Trước khi thả gà, phải rải trấu lên toàn bộ nền chuồng với chiều dày khoảng 10 cm. Đối với gà úm, sau tầm 7 ngày, khi dưới nền chuồng có phân gà con thải ra, lúc đó rắc men sinh học rồi đảo đều. Còn gà thịt, sau khi rải trấu có thể rắc men sinh học ngay. Khoảng 1 - 2 tháng sau thì bổ sung thêm trấu và men vi sinh để nền chuồng khô và không có mùi hôi thối. Sau khi gà xuất bán thì dọn chuồng, các chất lót đệm được thu gom, tận dụng làm phân bón cho các loại cây trồng hoặc bán”, anh Bốn chia sẻ. Hiện trại gà của gia đình anh Bốn có khoảng 5.000 con. Anh đã xuất bán được 10 tấn gà thịt, sắp tới sẽ xuất bán thêm 5 tấn gà thịt, năm nay dự kiến thu về trên 1 tỷ đồng.
Theo ngành chức năng, việc ứng dụng đệm lót sinh học được chú trọng trong các trang trại chăn nuôi nhưng còn hạn chế đối với chăn nuôi nông hộ. Năm nay, Hội Nông dân tỉnh triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình "Hội Nông dân ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn” tại xã Vân Sơn (Tân Lạc). Tham gia có 47 hộ dân thuộc các xóm: Hày Trên, Bục, Lự, Nghẹ, Chiềng, Vược, Chiến và xóm Dồ.
Gia đình ông Đinh Xuân Bắn, xóm Dồ là một trong những hộ được hỗ trợ. Trước đây, chuồng trại của gia đình ông Bắn thường bốc mùi hôi, mặc dù thường xuyên dọn vệ sinh. Còn nước thải từ việc vệ sinh chuồng trại chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Ông Bắn chia sẻ: "Chăn nuôi là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Sau khi được tập huấn kỹ thuật và áp dụng đệm lót sinh học, chuồng trại đã khô ráo, hạn chế được mùi của chất thải. Qua đó giúp gia đình tôi yên tâm chăn nuôi, không còn lo ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra còn có nguồn phân bón đảm bảo để chăm sóc các loại cây trồng”.
Theo đồng chí Hà Thị Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Sơn (Tân Lạc) cho biết: Mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi trâu, bò vừa mới được triển khai bước đầu đã đem lại những hiệu quả tích cực đối với chăn nuôi và đảm bảo môi trường. Đặc biệt khi tham gia mô hình, các hộ đều được tập huấn kỹ thuật để ứng dụng lâu dài. Với 90% người dân sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng đệm lót sinh học không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà bà con còn có nguồn phân bón sạch để bón cho cây trồng. Qua đó giúp tiết kiệm chi phí mua phân bón, hạn chế được việc sử dụng phân bón hóa học.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm đa số. Mặc dù là nghề đem lại thu nhập cao nhưng vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi vẫn là bài toán nan giải. Do đó, việc áp dụng đệm lót sinh học là một giải pháp rất hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, vừa hạn chế sự bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi.